Hội thảo phát triển vật liệu kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Tổng công ty Viglacera, Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu phát triển vật liệu kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang là một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà cả thế giới phải đối mặt. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do BĐKH. Thông qua hội thảo, Bộ Xây dựng khẳng định bước tiến chủ động đón đầu hội nhập WTO và TPP của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, đồng thời khẳng định hành động hiện thực hóa chủ chương của Chính phủ “Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào quỹ Khí hậu xanh 2016-2020 về đóng góp giảm phát khí thải nhà kính và giảm 8% lượng phát khí thải nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng thế giới”.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá, hiện tại nhiều công trình tại Việt Nam đang sử dụng kính tiết kiệm năng lượng nhập từ Trung Quốc, việc một doanh nghiệp trong nước tiên phong đầu tư, đưa sản phẩm tiết kiệm năng lượng có tính ưu việt ra thị trường trong nước, hướng tới lợi ích của người sử dụng là điều cần được ủng hộ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh đơn giá định mức để phá vỡ rào cản này đối với các công trình đầu tư xây dựng trong nước. Bộ Xây dựng rất mong muốn việc khống chế quản lý tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng sẽ được rà soát và bổ sung kịp thời để có thêm nhiều công trình được ứng dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Tại hội thảo, nhà thầu công nghệ và thiết bị là hãng Von Ardenne GmbH (CHLB Đức) đã giới thiệu chi tiết những tính năng ưu việt trong các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng. Theo đó, kính tiết kiệm năng lượng là loại kính có công năng cao, được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt, có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, yêu cầu về độ trong suốt và màu sắc của kính, đồng thời có tính năng phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, dẫn tới giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính, từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông.
Tại Việt Nam hiện nay, Công ty Kính nổi Viglacera (KCN Dĩ An, Bình Dương) đang sử dụng công nghệ tạo hình theo phương pháp nổi và là công nghệ tiên tiến nhất với phôi kính tốt nhất Việt Nam, đạt tiêu chuẩn châu Âu EN572-2:2004 với công suất thiết kế mở rộng đến 420 tấn thủy tinh/ngày tương đương với 23 triệu m2 kính QTC/năm.
Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera được sản xuất bằng công nghệ phủ mềm (phủ offline) – Phương pháp phủ dùng công nghệ phún xạ Magnetron trong môi trường chân không hay còn gọi là phủ hóa hơi vật lý (PVD). Hệ thống lớp phủ gồm các hợp chất siêu mỏng, có khả năng ngăn cản nhiệt độ truyền qua kính, dẫn tới giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành xây dựng, loại kính này không chỉ mang lại lợi ích tối ưu và nâng cao giá trị cho tòa nhà mà còn mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư khi tiết kiệm năng lượng điện sử dụng điều hòa tới 45%, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng do ngăn cách 99% tia tử ngoại có hại cho sức khỏe.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến quan tâm đến công năng và tiêu chuẩn của các sản phẩm kính sản xuất tại Việt Nam so với các nhà máy đặt tại toàn cầu đã được các chuyên gia và đơn vị sản xuất giải đáp thỏa đáng.
Sau hội thảo này, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện đề án để trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các tiêu chuẩn đối với sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy các tiêu chuẩn của Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỹ thuật rộng rãi trên toàn thế giới, thể hiện trách nhiệm thông qua các hoạt động đóng góp với công trình xanh, đóng góp chống biến đổi khí hậu.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()