Hội thảo phản biện xã hội dự thảo Đề án “Phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu ý kiến tại hội thảo
– Sáng 11/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án của UBND tỉnh về “Phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh, thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng và các chuyên gia liên quan.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công Thương trình bày dự thảo Đề án “Phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″. Nội dung đề án bao gồm: Thực trạng phát triển chợ miền núi, biên giới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020; kinh nghiệm phát triển chợ miền núi, biên giới tại một số địa phương và bài học rút ra cho tỉnh Lạng Sơn; quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; giải pháp đẩy mạnh phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Việc ban hành đề án phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi sẽ đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân trong giao thương hàng hóa, tạo cơ hội cho Nhân dân hai bên biên giới Việt Nam – Trung Quốc giao lưu trao đổi phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trình bày dự thảo đề án tại hội thảo
Tại đây, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với chủ trương của tỉnh về ban hành Đề án “Phát triển hạ tầng chợ biên giới, miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″. Đại biểu cũng đã tập trung phản biện một số nội dung như: Sự cần thiết việc ban hành đề án; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, tính khoa học, tính khả thi của đề án; tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đề án; đề án có đảm bảo tính hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân; một số lĩnh vực khác có liên quan tới tình hình thực tiễn.
Trong đó, các đại biểu đề nghị: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản xem xét, bổ sung thêm phần căn cứ của đề án; bổ sung nội dung kết nối trao đổi thông tin, giao lưu hàng hóa với các tỉnh, vùng lân cận; cần chi tiết hơn về tiêu chí xác nhận cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, qua đó, xây dựng chỉ tiêu xếp hạng chợ theo các hạng 1,2,3 cho phù hợp với tình hình của tỉnh; quá trình đầu tư phát triển chợ cần lựa chọn vị trí chợ sao cho phù hợp, xây dựng chợ sao cho thực sự phát huy hiệu quả, tạo ra những địa điểm giao thương hàng hóa phù hợp với nhu cầu của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới của tỉnh…
Đại biểu phát biểu ý kiến phản biện tại hội thảo
Qua nghe các ý kiến phản biện, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo đề án đã giải trình làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm; đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để bổ sung hoàn thiện đề án trong thời gian tới.
Ý kiến ()