Hội thảo khoa học về Quốc hội Việt Nam, 70 năm hình thành và phát triển
Ngày 8-12, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học "Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển". Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của QH (6-1-1946 - 6-1-2016). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Ban Tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đông đảo các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các nhà khoa học và đại diện của nhiều cơ quan, đơn vị hữu quan.
Với hai chủ đề “Nhìn lại 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam” và “Phát huy vai trò của Quốc hội trong quá trình đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, làm rõ những bài học lý luận và thực tiễn về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ năm 1946 đến nay cũng như những cơ hội và thách thức đối với việc phát huy vai trò của Quốc hội trong giai đoạn sắp tới.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Trong những ngày này 70 năm trước, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trong cả nước không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tôn giáo… đã náo nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội. Đây thực sự là “Ngày hội lớn của dân tộc”.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6-1-1946 thắng lợi đã trở thành biểu tượng lớn lao chứng minh sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước ta, mở ra một thời kỳ phát triển mới về thể chế chính trị ở Việt Nam. Chính những người nông dân, công nhân, tri thức thuộc mọi tầng lớp, lần đầu tiên được tự tay bầu ra 333 người tài đức trên cả nước, hình thành nên một cơ quan đại diện lớn nhất của dân tộc, gồm tất cả các thành phần, giai cấp trong xã hội – Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định việc tổ chức hội thảo “Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển” là cơ hội quý báu để các thế hệ đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các nhà quản lý thảo luận, trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được, những đóng góp lớn lao của Quốc hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bên cạnh nhìn nhận thẳng thắn những thách thức đối với hoạt động của Quốc hội trong bối cảnh thực thi Hiến pháp mới 2013, góp phần hội nhập quốc tế sâu rộng; các đại biểu Quốc hội đã đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong những nhiệm kỳ tiếp theo, đáp ứng được yêu cầu tình hình mới.
Trong phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định: Nhìn lại lịch sử là để hướng tới tương lai. Trong thời gian tới đây, cùng với nhân dân cả nước, Quốc hội đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh đó, Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới để bảo đảm thực thi có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng những đòi hỏi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp, hiện đại.
Do đó, việc phân tích, làm rõ quá trình gắn bó với nhân dân, đồng hành với dân tộc của Quốc hội nước ta trong 70 năm qua là cơ sở để tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò của Quốc hội trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử cách mạng Việt Nam để qua đó xác định và phát huy một cách đúng đắn vai trò của Quốc hội trong cải cách thể chế, đổi mới một cách toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, phân tích những bài học về việc phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân của Quốc hội, trong đó làm rõ những bài học kinh nghiệm của việc xây dựng một Quốc hội của toàn dân, của tất cả các dân tộc anh em, của các tôn giáo, của các thành phần khác nhau trong xã hội. Từ đó, hội thảo rút ra những giải pháp để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội bảo đảm Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với nhân dân, đại diện cho ý chí chung của toàn dân tộc.
Các đại biểu còn phân tích những kinh nghiệm quý giá trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội để làm cơ sở cho việc đổi mới việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu : 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua một chặng đường vẻ vang, xây dựng một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân, không ngừng lớn mạnh và phát triển, ngày càng khẳng định vững chắc, vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực hiện tốt chức năng cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Trong mỗi giai đoạn thăng trầm của cách mạng, Quốc hội giúp khơi dậy ý chí và tinh thần đoàn kết trong toàn dân, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. |
PGS , TS. Bùi Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm công tác lý luận Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã và đang để lại những bài kinh nghiệm quý báu mà có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay. Tổng tuyển cử ngày 6 – 1 – 1946 tuy diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn của đất nước nhưng đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo thành một khối thống nhất rộng rãi là một bài học về phát huy tư tưởng dân chủ trong bầu cử, ứng cử, đặc biệt khi tiến trình đổi mới, tổ chức hoạt động của Quốc hội, đổi mới chế độ bầu cử ở nước ta hiện nay đang được tích cực triển khai. ..
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()