Hội thảo khoa học “lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo đề xuất khung công cụ đo lường chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đối với các cơ quan cấp huyện và cấp sở của tỉnh”
- Sáng 19/4, Sở Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học “lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo đề xuất khung công cụ đo lường chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đối với các cơ quan cấp huyện và cấp sở của tỉnh”. Hội thảo là một trong những nội dung thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” của Sở Nội vụ do đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ làm chủ nhiệm đề tài.
Dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công; phòng nội vụ các huyện, thành phố; UBND một số xã, phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Học viện hành chính Quốc gia; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ.
Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua theo dõi kết quả đo lường chỉ số SIPAS của tỉnh qua các năm có thiếu ổn định, bền vững trong việc đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó năm 2022 giảm 28 bậc, xếp hạng 59/63. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính, Sở Nội vụ đã đề xuất triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1400/QĐ-UBND ngày 26/8/2023. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của đề tài, Sở Nội vụ và nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng khung công cụ đo lường chỉ số SIPAS đối với cơ quan cấp huyện và cấp sở trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, dự kiến, bộ công cụ đo lường chỉ số SIPAS đối với cơ quan cấp huyện và cấp sở đều tập trung đánh giá 2 nội dung chính: công tác ban hành, tổ chức thực hiện chính sách; việc cung ứng dịch vụ hành chính công. Các nội dung sẽ được đánh giá theo 5 mức độ: rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không hài lòng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận làm rõ ý nghĩa của chỉ số SIPAS; vai trò, sự cần thiết ban hành và góp ý vào dự thảo bộ công cụ đo lường chỉ số SIPAS đối với cơ quan cấp huyện và cấp sở. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung thêm một số nội dung, tiêu chí đo lường nhằm hoàn thiện bộ công cụ như bổ sung thêm tiêu chí đo lường hài lòng về chuyển đổi số; bổ sung thêm đối tượng đo lường là cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; bổ sung thêm tiêu chí đo lường về kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo tỉnh công bằng...
Hội thảo nhằm thu thập thông tin khoa học từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hoàn thiện, làm rõ hệ thống cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn khung công cụ đo lường chỉ số SIPAS đối với cơ quan cấp huyện và cấp sở của tỉnh. Qua đó, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện nội dung đề tài nghiên cứu khoa học do Sở Nội vụ chủ trì nghiên cứu.
Ý kiến ()