Hội thảo khoa học "Hội nhập kinh tế quốc tế: 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh"
Ngày 6/12, tại thành phố Hạ Long, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế: 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh”. Hội thảo có sự tham gia hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ quản lý ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
|
Quang cảnh buổi Hội thảo – ảnh: Báo Quảng Ninh |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, quan điểm của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế được hình thành, bổ sung và không ngừng hoàn thiện. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã tác động lớn tới kinh tế đất nước, làm tăng thế và lực của Việt Nam trên thế giới, môi trường kinh doanh được cải thiện… Với niềm tin vào đường lối đúng đắn trong hoạch định chiến lược, chính sách và phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự cố gắng vươn lên trong tổ chức thực hiện chủ trương hội nhập của các cấp, ngành, các địa phương, chúng ta luôn tin tưởng vào sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng: Thực tiễn gần 30 năm thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế đã chứng minh đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương trên được cụ thể hóa một cách sinh động tại tỉnh Quảng Ninh. Với vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh đối ngoại; với tiềm năng thế mạnh về phát triển kinh tế – xã hội đã tạo nên những giá trị tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh để hội nhập và phát triển. Việc mở cửa và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp tỉnh Quảng Ninh có điều kiện huy động được những nguồn lực từ bên ngoài, bồi đắp thêm tiềm lực từ bên trong, từ đó góp phần đạt được một số kết quả quan trọng. Kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu ngân sách thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước, thu hút vốn FDI ngày càng tăng, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh ngày càng tăng…
Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: Thực tiễn triển khai đường lối đối ngoại đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước tại tỉnh Quảng Ninh trong 30 năm qua đã có nhiều sự sáng tạo, phát huy tốt thế mạnh của địa phương. Quá trình này đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới về tư duy và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh, giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng đường biên giới hữu nghị, thân thiện, phát triển. Qua gần 30 năm đổi mới, tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế, Quảng Ninh ngày càng nhận thức sâu sắc rằng để tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế thành công, nhất thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Điểm mới của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là chọn được các nhà đầu tư chiến lược, tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài…
Với hơn 100 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo của các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, các nhà khoa học tập trung làm rõ các vấn đề về quá trình nhận thức của Đảng, việc triển khai chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; kinh nghiệm của nước ta và một số nước về hội nhập kinh tế quốc tế; những thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra của hội nhập kinh tế quốc tế trong gần 30 năm; những thành tựu hạn chế và những vấn đề đặt ra của hội nhập kinh tế quốc tế của Quảng Ninh trong gần 30 năm qua; những cơ hội, thách thức và các giải pháp, kiến nghị để Việt Nam hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()