Hội thảo khoa học “Chiến dịch Nguyễn Huệ - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”
Ngày 29/3, tại Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc Phòng) tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến dịch Nguyễn Huệ – Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”. Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Quốc phòng dự và chỉ đạo hội thảo.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại biểu các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, nhân chứng lịch sử trong và ngoài quân đội…
Diễn văn khai mạc hội thảo nêu rõ, cách đây 50 năm, vào ngày 1/4/1972, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, mà trực tiếp là Trung ương Cục miền nam và Bộ Tư lệnh Miền, quân và dân trên chiến trường miền Đông Nam Bộ đã mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ.
Trải qua gần 10 tháng chiến đấu liên tục, chiến dịch đã kết thúc thắng lợi, chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu số lượng lớn binh lính và phương tiện chiến tranh của quân đội Sài Gòn, giải phóng được một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu, trực tiếp uy hiếp cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Đồng thời, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực, đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân phát triển.
Thắng lợi của Chiến dịch đã góp phần vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, là trang sử oai hùng của chiến trường miền đông gian lao mà anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất non sông.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định, thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ là kết quả sự vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường. Đó là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, mà nét tiêu biểu là sự chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó còn là thắng lợi của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của toàn quân và toàn dân ta.
Hội thảo khoa học lần này nhằm làm sâu sắc hơn những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ; khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; qua đó rút ra những kinh nghiệm quý, bài học hay nhằm vận dụng, phát huy vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại cuộc hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được gần 80 báo cáo, tham luận khoa học của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội… Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn về những thắng lợi, thành công và cả những hạn chế, của Chiến dịch.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên khẳng định, Chiến dịch Nguyễn Huệ giành thắng lợi có ý nghĩa to lớn trong thời điểm có tính chất quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến dịch này là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương; là kết quả của sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch; tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ mãi mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kết quả của hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách, đặc biệt khống chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19 để trở lại trạng thái bình thường mới. Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những kinh nghiệm có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Ý kiến ()