Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển”
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Sáng 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023).
Tại điểm cầu trung tâm, dự hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội thảo có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, cách đây 80 năm (tháng 2/1943), Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chắp bút soạn thảo. Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa) với 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới gồm: dân tộc, khoa học, đại chúng. Trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý văn hóa tập trung phân tích rõ một số nội dung như: bối cảnh ra đời, các giá trị lý luận, thực tiễn và việc vận dụng tư tưởng trong Đề cương vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương…
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.
Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023). Qua thảo luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu, hội thảo đã thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, sức sống lâu dài của đề cương văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao về các giải pháp để nghiên cứu, kế thừa các quan điểm của Đề cương đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc. Trong đó tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các kết luận, văn bản chỉ đạo của trung ương, đặc biệt là bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và đoàn thể.
Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển…
PHƯƠNG DUNG - THANH MAI
Ý kiến ()