Hội thảo khoa học các tư liệu về Hoàng Đình Kinh
LSO - Sáng 25/4/2013, tại đền Quan Giám Sát, thôn Việt Thắng, xã Hoà Lạc, huyện Hữu Lũng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) phối hợp với dòng họ Hoàng thân tộc Hoàng Đình Kinh, xã Hoà Lạc tổ chức buổi Hội thảo khoa học "Các tư liệu, bài viết về thân thế sự nghiệp Hoàng Đình Kinh".
LSO – Sáng 25/4/2013, tại đền Quan Giám Sát, thôn Việt Thắng, xã Hoà Lạc, huyện Hữu Lũng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) phối hợp với dòng họ Hoàng thân tộc Hoàng Đình Kinh, xã Hoà Lạc tổ chức buổi Hội thảo khoa học “Các tư liệu, bài viết về thân thế sự nghiệp Hoàng Đình Kinh”.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Tham dự hội thảo có khoảng 700 đại biểu, bao gồm: đại diện các ban ngành của tỉnh và huyện một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học của trung ương và địa phương; cùng đông đảo bà con nhân dân dòng họ Hoàng thân tộc Hoàng Đình Kinh và đại diện các xã của huyện Hữu Lũng…
Ông Hoàng Đình Kinh ( ….? – 1888), sinh ra và lớn lên tại Làng Thương, tổng Thuộc Sơn, châu Hữu Lũng, phủ Lạng Giang (nay thuộc xã Cai Kinh, Hữu Lũng, Lạng Sơn). Từ năm 1882-1888, thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra ở khắp nơi; trong đó có cuộc khởi nghĩa của nhân dân 2 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn do ông Hoàng Đình Kinh lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa đã làm chủ cả một vùng rộng lớn từ Nam Chi Lăng đến Bắc Lạng Giang, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Tuy cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài được 7 năm, nhưng đã làm chậm mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp ở Lạng Sơn. Ông Hoàng Đình Kinh, được lịch sử tôn vinh và ghi nhận như một danh nhân nghĩa sĩ trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX.
Tại hội thảo, đã có 14 bài viết tham luận, tư liệu lịch sử khoa học của các giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, các nhà nghiên cứu thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, Hội trưởng dòng họ Hoàng- Huỳnh Việt Nam… được trình bày làm rõ về thân thế sự nghiệp của ông Hoàng Đình Kinh. Thông qua các bài viết, các tham luận và tư liệu lịch sử, hội thảo đã có đủ căn cứ khoa học khẳng định về tên tuổi, địa danh và và quá trình hoạt động trừ phỉ, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược trong phong trào Cần Vương. Xác định những chiến tích, di tích liên quan đến Hoàng Đình Kinh tổ chức lãnh đạo cuộc khởi nghĩa bảo vệ nhân dân, đánh đuổi đế quốc xâm lược.
Kết thúc hội thảo, Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn (VH, TT & DL) đã đề ra một số nhiệm vụ mà các cấp các chính quyền sở tại và ngành VH TT & DL cũng như các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của trung ương, của tỉnh cần tiếp tục làm rõ: Xác định ngày, tháng, năm sinh của ông Hoàng Đình Kinh; xác định gốc tổ, cái chết của ông Hoàng Đình Kinh; sưu tầm thêm các hiện vật, tư liệu, củng cố thêm hệ thống di tích chiến tích tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang trong thời kỳ ông làm thủ lĩnh; hoàn thiện các tác phẩm thơ ca nói về ông Hoàng Đình Kinh; quy hoạch và bảo vệ dãy núi đá Cai Kinh; tiến tới xây dựng Nhà thờ họ Hoàng Đình Kinh.
PHAN CẦU
Ý kiến ()