Hội thảo góp ý báo cáo tổng kết đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp qua 30 năm đổi mới
Ngày 1/3, tại Hà Nội, Tổ nghiên cứu “Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp” tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn về đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp qua 30 năm đổi mới (1986 – 2016)”.
Các đồng chí: Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án NDTC; Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC chủ trì Hội thảo.
|
Hội thảo ghi nhận nhiều lượt ý kiến tham gia góp ý, thảo luận – Ảnh: HH |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh cho biết, xuất phát từ những yêu cầu lâu dài của Cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XII của Đảng (nhiệm kỳ 2016 – 2020), Bộ Chính trị khóa XI đã quyết định tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 – 2016).
Đề tài “Đổi mới và hòan thiện hệ thống tư pháp Việt Nam” là đề tài nhánh thuộc vấn đề số 07, Nhóm 4 về “Đổi mới hệ thống chính trị”, do Ban Nội chính Trung ương cùng Viện Kiểm sát NDTC, Tòa án NDTC chủ trì, là một trong những nội dung quan trọng trong tổng kết một số vấn đề lý luận thực tiễn qua 30 năm đổi mới của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương đã được Bộ Chính trị thông qua.
Trong thời gian qua, Tổ nghiên cứu Đề tài đã khẩn trương, nỗ lực hoàn thành dự thảo “Báo cáo kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn về đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp qua 30 năm đổi mới (1986 – 2016)”.
Dự thảo báo cáo tập trung vào 3 vấn đề lớn: Phần khái quát quá trình đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Bao gồm: Các đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách đó thành pháp luật về tổ chức của các cơ quan tư pháp; pháp luật hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và hệ thống tư pháp trong 30 năm qua.
Phần đánh giá tổng quát quá trình đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp từ năm 1986 đến nay. Trong đó, khái quát hóa những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và một số vấn đề lý luận – thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp nước ta.
Phần phương hướng đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp nước ta trong thời gian tới. Trong đó, chỉ rõ những yêu cầu khách quan, mục tiêu, quan điểm, phương hướng đổi mới và những nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị lớn đối với việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp nước ta trong thời gian tới.
Với kết cấu trên, Dự thảo báo cáo chủ yếu đi vào tổng kết, đánh giá việc hình thành, phát triển các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và kết quả đạt được trong thực tiễn đối với việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp nước ta trong 30 năm qua.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo báo cáo: việc đề cập về các chủ trương, chính sách, pháp luật; tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp. Các đại biểu làm rõ sự phát triển nhận thức, lý luận của Đảng về khái niệm tư pháp, quyền tư pháp, vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp; vai trò của Tòa án, thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên Viện Kiểm sát trong thực tiễn; việc thể chế và thực tiễn thực hiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân, vai trò lãnh đạo của Đảng; mục tiêu đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến cụ thể vào mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp của nước ta trong thời gian tới…
Theo CPV
Ý kiến ()