Hội thảo đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại địa phương: Tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng chất lượng nguồn nhân lực
– Ngày 15/7, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức hội thảo đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại địa phương.
Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, toàn tỉnh hiện nay có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các ngành, nghề đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Các cơ sở đã hướng đến đào tạo theo nhu cầu của đơn vị, công ty, doanh nghiệp, từ đó, một số ngành đào tạo có tỷ lệ việc làm trên 80% như: cơ khí, điện dân dụng, điện lạnh… Kết quả cụ thể: năm 2021, các cơ sở đã tuyển sinh và đào tạo được 11.370 người, sau đào tạo có trên 80% học sinh có việc làm thu nhập ổn định (trong đó, tỷ lệ lao động nghề nông nghiệp 95%, phi nông nghiệp 5%); ước tính thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022 tuyển sinh đào tạo được 3.615 học viên trình độ sơ cấp thường xuyên và giải quyết việc làm mới cho trên 11.000 lao động trên địa bàn tỉnh, đạt 68,75% kế hoạch…
Các đại biểu tham gia Hội thảo đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương
Tại hội thảo, đại diện các trường học, trung tâm đã phát biểu tham luận, trao đổi, tập trung phân tích, tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp gắn với sự phát triển của các địa phương; cơ chế phối hợp liên kết với các cơ sở đào tạo khác; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của từng đơn vị. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: nhu cầu nguồn nhân lực và các ngành nghề đào tạo; định hướng đào tạo nghề đối với các ngành nghề phi nông nghiệp gắn với phát triển khu du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên…
Đại diện Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tin học và ngoại ngữ tỉnh Lạng Sơn phát biểu thảo luận tại Hội thảo
Kết luận hội thảo, Giám đốc Sở LĐTB&XH ghi nhận những ý kiến, tham luận của các đơn vị trường học và trung tâm, đồng thời đề nghị các đơn vị giáo dục nghề nghiệp cần tập trung hơn ở các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, đổi mới phương pháp đào tạo nghề, không đào tạo tràn lan mà phải phù hợp nhu cầu và thế mạnh của từng địa phương; tiếp tục rà soát nhu cầu nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo đáp ứng yêu cầu.
Ý kiến ()