Hội thảo công nghệ mới cho ngành dệt và vải kỹ thuật
Trong khuôn khổ Năm Pháp - Việt Nam, ngày 3-4, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Hội thảo "Công nghệ và dịch vụ Pháp dành cho ngành dệt và vải kỹ thuật Việt Nam” do Bộ Công thương Việt Nam phối hợp Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) tổ chức.
Tham dự hội thảo ngoài các doanh nghiệp của Việt Nam, sẽ có bảy công ty Pháp tham gia như: Laroche, N.Schlumberger, Superba, Verdol, Stäubli, Dollfus & Muller và Aesa, là những công ty năng động, đứng đầu thế giới trong các chuyên ngành như: Chế tạo các dây chuyền xé, cân định lượng và trộn xơ, tái chế phế liệu ngành dệt, chế biến xơ cho vải không dệt, dây chuyền chế biến xơ tự nhiên; Xử lý liên lục bằng hơi nước của tất cả các loại sợi có tính co để làm thảm (thảm nổi nhung hoặc dệt) và các chất nhuộm mầu; sản xuất các phụ kiện thay thế như băng tải dạng lưới và các băng nỉ không mối nối phục vụ cho máy sấy trong in vải, máy cán láng vải, máy phòng co, và dây chuyền sản xuất vải không dệt…
Tại hội thảo, các công ty của Pháp sẽ giới thiệu những giải pháp tốt nhất và nhiều đổi mới về công nghệ trong ngành dệt, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hiện nay.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, các doanh nghiệp Pháp sẽ có cuộc gặp gỡ các khách hàng tiềm năng thông qua các cuộc trao đổi riêng do BIFRANCE (cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp phát triển trên thị trường quốc tế) tổ chức.
Năm 2013, ngành dệt may Việt Nam đạt mức doanh thu 23 tỷ USD, tương đương với 10% GDP. Việt Nam ngày càng hướng tới các trang thiết bị mang lại giá trị gia tăng cao để có thể vượt qua các thách thức: quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đưa đất nước trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và nhu cầu nâng cao sức cạnh tranh và sản lượng so với các nước láng giềng châu Á.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()