Hồi sinh vùng đất "chết"
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An chỉ đạo thi công công trình nạo vét kênh mương. Một vùng đất bỏ hoang rộng gần 150 ha ở huyện Cần Đước đang được ngành nông nghiệp tỉnh Long An và chính quyền địa phương cải tạo, tháo phèn cho người dân trồng lúa. Từ đây, sự sống bắt đầu trỗi dậy trên cánh đồng ngỡ đã "chết" 20 năm qua."Đồng Tháp Mười" ở vùng hạTheo đường đê Vàm Cỏ, chúng tôi đến ấp 5, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Là một xã có thế mạnh về trồng lúa và nghề làm bột truyền thống nên chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy cảnh hoang hóa chẳng khác gì vùng Đồng Tháp Mười cách đây 30 năm ngay tại vùng hạ. Những cánh đồng phía trong đê Vàm Cỏ hiện chỉ có cỏ mồm và lau sậy đua nhau mọc lên. Thi thoảng chúng tôi mới thấy vài người dân đang tranh thủ thả đàn bò đi kiếm ăn trên vùng đất cao nằm lọt thỏm giữa rừng cây dại. Phó Bí thư Huyện ủy Cần Đước Nguyễn Việt Cường,...
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An chỉ đạo thi công công trình nạo vét kênh mương. |
“Đồng Tháp Mười” ở vùng hạ
Theo đường đê Vàm Cỏ, chúng tôi đến ấp 5, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Là một xã có thế mạnh về trồng lúa và nghề làm bột truyền thống nên chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy cảnh hoang hóa chẳng khác gì vùng Đồng Tháp Mười cách đây 30 năm ngay tại vùng hạ. Những cánh đồng phía trong đê Vàm Cỏ hiện chỉ có cỏ mồm và lau sậy đua nhau mọc lên. Thi thoảng chúng tôi mới thấy vài người dân đang tranh thủ thả đàn bò đi kiếm ăn trên vùng đất cao nằm lọt thỏm giữa rừng cây dại. Phó Bí thư Huyện ủy Cần Đước Nguyễn Việt Cường, giải thích: “Đất phèn như thế làm sao sản xuất được anh”. Nhìn mặt nước vàng quạnh bám vào thân những rặng dừa nước, chúng tôi mới hiểu vì sao vùng đất nơi đây bị bỏ hoang. Theo Phó Bí thư Việt Cường, trước đây khi chưa có đê, người dân ấp 5 thường sống bằng nghề trồng lúa một vụ, có hộ làm cả lúa thơm hai vụ. Nhưng do nằm cạnh sông Vàm Cỏ Đông, khi có lũ, vùng đất này thường xuyên bị ngập lụt, gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Trước tình hình đó, huyện Cần Đước quyết định đắp con đê dài gần 7 km nhằm ngăn lũ và giữ nước ngọt để người dân tăng vụ sản xuất.
Tuy nhiên, do công tác triển khai chưa đồng bộ, hợp lý, khi tuyến đê hoàn thành vào những năm 90, thế kỷ 20, nước ngọt đâu chưa thấy, chỉ thấy dòng chảy khu vực trong đê không thoát ra được dẫn đến đất bị phèn nặng. Rồi khi làn sóng xây dựng khu công nghiệp tràn đến, vùng đất chết ấp 5, xã Long Sơn lại được quy hoạch để phát triển công nghiệp. Nhưng vì nhiều lý do, các nhà doanh nghiệp vẫn chưa chịu đến đầu tư. Gần 200 hộ dân bỗng dưng không sản xuất được trên mảnh đất của mình. Khi chúng tôi đến, ông Đặng Văn Đời, 61 tuổi, vừa cắt xong đám lát để bán cho người dệt chiếu. Mình mẩy vẫn còn lấm bùn, ông Đời ngậm ngùi kể: “Gia đình tôi có sáu công đất để sản xuất. Trước đây trồng lúa một vụ, có khi hai vụ, năng suất vào khoảng 20 giạ/ công. Nhưng từ khi con đê ra đời, tôi không thể cấy lúa được vì đất bị phèn quá. Gia đình tôi chỉ còn biết phụ thuộc vào hai công lát nằm ở ngoài đê để kiếm sống mà thôi”. Theo ông Đời, do đất không còn canh tác được nên nhiều người đã đi nơi khác làm ăn. Có người bỏ ruộng đi làm công nhân, người thì cố bám trụ bằng việc chuyển qua trồng tràm, trồng lát…
“Giải cứu ” cánh đồng
Nhưng bây giờ thì không chỉ riêng ông Đời, bà con ở ấp 5, xã Long Sơn, huyện Cần Đước vô cùng phấn khởi khi biết chỉ một thời gian ngắn họ sẽ được canh tác trên cánh đồng của mình. Cả tuần nay, ngày nào anh Phan Anh Liêm cũng nhìn ra sau nhà, nơi công trình nạo vét rạch Trung đang thi công. Anh Liêm cho biết, trước khi đắp đê, con rạch này khá rộng, ghe xuồng có thể vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ sông Vàm Cỏ Đông vào. Nhưng từ khi đắp đê, sông cứ bị bồi lấp dần, không cung cấp đủ nước cho người dân trồng lúa. Sau khi biết chính quyền địa phương sẽ nạo vét con rạch trở lại như trước, anh Liêm rất mừng. Chung niềm vui với anh Liêm, bà Nguyễn Thị Lý cho biết, khi vùng đất ấp 5 này được cải tạo, bà sẽ không trồng tràm nữa mà sẽ quay về với nghề trồng lúa. Bà Lý cho biết thêm: “Dù chỉ mới bắt đầu, nhưng nhiều bà con đang đi làm ăn xa đã có ý định trở về nhà để tiếp tục sản xuất lúa khi biết chính quyền đang cải tạo vùng đất “chết” này. Ai ai cũng mong được nhìn thấy cây lúa phát triển tươi tốt như trước đây”. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Lê Minh Đức cho biết, Sở sẽ đầu tư công trình nạo vét sáu con kênh lớn và 10 tuyến kênh nhỏ ở vùng đất chết ấp 5, xã Long Sơn, huyện Cần Đước. Công trình hoàn thành sẽ giúp rửa phèn, đưa nước ngọt vào ruộng để người dân có thể trồng lúa ổn định. “Sau khi nạo vét các tuyến kênh, chúng tôi xem tình hình thực tế như thế nào rồi sẽ có kế hoạch sửa chữa, xây dựng thêm cống thoát nước mới, với mong muốn làm sao để vùng đất này trở thành vùng đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả”- ông Lê Minh Đức khẳng định.
Không chỉ riêng ở xã Long Sơn, nhiều vùng đất có khả năng trồng lúa hiệu quả sẽ tiếp tục được tỉnh Long An đầu tư cải tạo nhằm nâng cao sản lượng lương thực của tỉnh. Việc làm này không chỉ mang lại niềm vui cho người dân, tránh lãng phí đất nông nghiệp mà qua đó, tỉnh Long An đã góp phần cùng cả nước giữ vững 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa theo chủ trương của Chính phủ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()