Hồi sinh giống đào Mẫu Sơn
(LSO)- Đào Mẫu Sơn là loại quả đặc sản của vùng núi Mẫu Sơn nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Những năm gần đây, loại quả này gần như “biến mất” trên thị trường, chính vì vậy, việc phục tráng giống đào Mẫu Sơn không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng quả đào Mẫu Sơn mà còn góp phần phát triển du lịch.
Nhóm nghiên cứu khảo sát chất lượng đào Mẫu Sơn
Ở Việt Nam, đào được trồng chủ yếu ở một số vùng có khí hậu riêng biệt như: Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Đồng Văn (Hà Giang)… Quả đào Mẫu Sơn được sử dụng để ăn tươi, hoa đào được đặc biệt ưa chuộng trong dịp tết.
Cách đây khoảng 20 năm, cây đào có ở khắp các sườn đồi, nhà dân, khe suối trên núi Mẫu Sơn. Đào Mẫu Sơn ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán cho thu hoạch quả vào tháng 5 và tháng 6 hằng năm, quả đào có trọng lượng 300 – 400 gram, khi chín, quả chuyển sang màu hồng, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây đào dần bị thoái hóa và thu hẹp diện tích. Đến năm 2017, diện tích đào Mẫu Sơn chỉ còn khoảng 5 ha, cây sinh trưởng yếu, quả nhỏ, tỷ lệ đậu quả thấp.
Để phục tráng giống đào Mẫu Sơn, năm 2017, tiến sỹ Nguyễn Thị Tuyết, Viện Nghiên cứu rau quả (Gia Lâm, Hà Nội) cùng các cộng sự triển khai đề tài phục tráng giống đào ăn quả Mẫu Sơn và phát triển một số giống đào mới tại khu du lịch Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Triển khai dự án, nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra trực tiếp tại các vườn đào trên khu vực núi Mẫu Sơn, qua đó, đã tuyển chọn được 5 cây đầu dòng ưu tú có những ưu điểm nổi bật của giống đào Mẫu Sơn. Từ những cây đầu dòng này, nhóm đã tiến hành nhân giống và xây dựng vườn đào, vườn cây mẹ với 500 cây. Cùng với đó, để nâng cao năng suất, chất lượng đào lên trên 20%, nhóm tiến hành nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc, phục tráng đào Mẫu Sơn với các phương pháp như: ảnh hưởng của biện pháp cắt tỉa; ảnh hưởng của vật liệu giữ ẩm; ảnh hưởng của các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp đến năng suất, chất lượng đào.
Nhóm nghiên cứu tiến hành mô hình canh tác tổng hợp, mô hình trồng mới đào Mẫu Sơn. Đồng thời thử nghiệm một số giống đào nhập nội triển vọng tại Mẫu Sơn với các giống Nectarin, A2229, B115, đây là giống đào nhập từ Đài Loan, Úc đã được khảo nghiệm tại Tràng Định (Lạng Sơn), Bắc Kạn, Lào Cai nhằm làm phong phú thêm nguồn giống. Các giống đào nhập nội có thời gian thu hoạch quả sớm hơn hoặc muộn hơn thời điểm thu hoạch đào Mẫu Sơn nên góp phần kéo dài vụ đào. Để nông dân nắm vững kiến thức, kỹ năng chăm sóc đào, nhóm tiến hành tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc đào cho 30 hộ dân trồng đào tại khu vực Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình là các hộ tham gia dự án.
Chị Lê Thị Mỹ Hà, Viện Nghiên cứu rau quả – Thư ký khoa học của đề tài cho biết: Sau 3 năm triển khai, đến nay, chúng tôi đã xây dựng được các vườn đào 3 năm tuổi. Trong đó, vườn cây mẹ giống đào Mẫu Sơn có tỷ lệ sống cao, mỗi cây có chiều cao từ 1 đến 1,2 m, đã có cành cấp 1 và cấp 2; các giống thử nghiệm phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu Mẫu Sơn, trong đó, một số cây bắt đầu bói quả. Vườn cải tạo phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, chất lượng được cải thiện.
Khi dự án kết thúc năm 2020, đề tài phục tráng giống đào ăn quả Mẫu Sơn và phát triển một số giống đào mới tại khu du lịch Mẫu Sơn sẽ không chỉ giúp nông dân có nguồn thu nhập từ canh tác cây đào ăn quả mà còn góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch.
Ý kiến ()