Hội Nông dân Văn Quan: Điểm tựa cho hội viên phát triển kinh tế
LSO-Theo quan điểm chỉ đạo và định hướng của tỉnh thì tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với đẩy mạnh giảm nghèo một cách bền vững, tạo cơ hội thuận lợi về phát triển sản xuất để người nghèo tự lực vươn lên.
LSO-Theo quan điểm chỉ đạo và định hướng của tỉnh thì tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với đẩy mạnh giảm nghèo một cách bền vững, tạo cơ hội thuận lợi về phát triển sản xuất để người nghèo tự lực vươn lên. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo, trong những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Văn Quan đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên, nông dân trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.
Nông dân xã Văn An sơ chế hoa hồi |
Vào trung tuần tháng 2 vừa qua, theo chân cán bộ HND chúng tôi có dịp tới thăm gia đình ông Hoàng Việt Tuấn ở thôn Nà Lộc, xã Vĩnh Lại, huyện Văn quan. Đây là một trong những hộ nông dân điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Ông Tuấn chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình ông là một trong những hộ nghèo của thôn. Và rồi từ chỗ nông dân trong xã được hưởng dự án trồng hồi, ông đã nhanh chóng đăng ký tham gia dự án với hy vọng đây là hướng để đưa gia đình thoát khỏi khó khăn…Nhưng để hồi cho thu hoạch cũng mất nhiều năm, sau khi tìm tòi, suy nghĩ, ông bà quyết định đầu tư lấy ngắn nuôi dài. Với ít ruộng nước ông để cấy lúa lấy thóc gạo ăn, rồi chăn nuôi lợn thịt, gà thịt. Không dừng ở đó, qua các lớp tập huấn của HND và tự tìm hiểu những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Tuấn đã đưa giống hồng quả vuông về trồng trên diện tích đất đồi của mình. Nhờ được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hiện nay vườn cây ăn quả của gia đình phát triển tốt và cho thu hoạch mấy năm nay. Từ một hộ nghèo của xã, gia đình ông Tuấn đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả, với mức thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/năm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Triệu Thị Tâm, Phó Chủ tịch HND huyện Văn Quan cho biết: Nhận thức sâu sắc về công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, HND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, huyện… đến với hội viên, nông dân. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả các phong trào do Trung ương HND phát động. Đặc biệt coi trọng khâu khảo sát, phân loại hộ nghèo và xác định công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hỗ trợ vốn và cách thức tổ chức sinh hoạt… đây chính là “cần câu” mà hội có thể trang bị cho hội viên để vươn lên thoát nghèo.
Theo đó, trong nhiệm kỳ qua (2007- 2012), Hội đã phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật được 548 lớp cho trên 28.000 lượt hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; tổ chức 162 cuộc hội thảo đầu bờ về cây, con giống mới cho 8.700 lượt hội viên. Các cấp HND trong huyện đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở được 20 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 651 học viên là nông dân có nhu cầu đào tạo nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học … Cùng với hỗ trợ về kỹ thuật, hội còn tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, đứng ra nhận ủy thác và xây dựng các dự án hướng dẫn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Trong 5 năm qua, hội đã đứng ra tín chấp cho 2.269 lượt hộ nông dân vay, với số vốn trên 37 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ tính đến nay là trên 51 tỷ đồng. Hội tín chấp ký hợp đồng cung ứng phân bón trả chậm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được 864 tấn phân NPK phục vụ cho sản xuất của hàng nghìn lượt nông dân. Việc tạo nguồn vốn được thực hiện thông qua nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cũng được hội thường xuyên quan tâm, đến nay, tổng nguồn vốn toàn tỉnh đạt gần 400 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, HND huyện đã hướng dẫn các cơ sở xây dựng dự án cho 98 hội viên vay vốn sản xuất. Ngoài ra, huyện còn nhận ủy thác của Tỉnh hội và Trung ương hội với số tiền 602 triệu đồng, tạo điều kiện cho 73 hội viên nghèo, khó khăn vay. Từ sự hỗ trợ trên, trong 5 năm qua, HND huyện góp phần đã xóa được 1.802 hộ nông dân nghèo, trong đó số hộ gia đình hội viên là 1.322 hộ. Số hộ khá giả có mức sống trung bình tăng lên, nếu năm 2007 có 1.591 hộ , thì đến năm 2012 có 2.280 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 689 hộ; đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân không ngừng được nâng lên. Nhiều mô hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, là những tấm gương sáng để tổ chức hội và hộ nông dân các địa phương tham quan, học tập như: mô hình sản xuất gạch bê tông của ông Triệu Văn Tám, Ngô Văn Bằng (xã Tràng Phái), Đỗ Dung Huyền (xã Bình Phúc); mô hình kinh tế VACR của bà Triệu Thị Tuyết (xã Đại An), Chu Thị Biên (xã Xuân Mai); mô hình dịch vụ tổng hợp của ông Lê Văn Bộ (xã Hữu Lễ)…
Có thể nói, những hiệu quả thiết thực mà HND mang lại cho nông dân đã thu hút nhiều nông dân tham gia tổ chức hội, trong nhiệm kỳ qua, toàn huyện kết nạp mới 1.050 hội viên, nâng tổng số hội viên lên gần 9.696 người. Thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của tổ chức hội, HND huyện tiếp tục có những việc làm thiết thực và phù hợp với bà con nông dân ở địa phương, cụ thể: tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, giúp nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân… Khi đời sống được nâng lên, hội viên nông dân sẽ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của hội cấp trên và địa phương phát động, như: phong trào lao động sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới,…
HỒ XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()