Hội Nông dân tỉnh: Quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách
(LSO) – Những năm qua, với vai trò là “cầu nối” nhận ủy thác từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai kịp thời các chương trình cho vay, đồng thời quản lý hiệu quả nguồn vốn. Từ đó, góp phần quan trọng giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Nông Văn Vinh, thôn Lạng Nắc, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng trước đây là hộ khó khăn. Ông Vinh chia sẻ: Năm 2014, tôi vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng, chăm sóc na và nuôi lợn. Có vốn kết hợp được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc na theo hướng an toàn sinh học nên vườn na của gia đình phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng và giá bán cao. Cùng với đó, tôi kết hợp chăn nuôi, trồng rau, ớt. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng. Tôi có điều kiện mua sắm các vật dụng trong nhà và trả tiền ngân hàng trước thời hạn.
Người dân thôn Lạng Nắc, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển trồng na
Cũng giống như gia đình ông Vinh, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang có hàng nghìn gia đình được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh dịch vụ…). Chỉ tính riêng năm 2018, đã có 1.638 hội viên nông dân trong toàn tỉnh thoát nghèo nhờ các chương trình hỗ trợ của hội nông dân tỉnh, trong đó có nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang nhận ủy thác quản lý nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh với dư nợ gần 730 tỷ đồng (chiếm 26,9% tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh) với 641 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cho hơn 18.500 hộ vay. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu vào một số chương trình như: cho vay hộ nghèo (trên 250 tỷ đồng); cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (trên 180 tỷ đồng); cho vay hộ cận nghèo (trên 100 tỷ đồng); cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (60 tỷ đồng)…
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH tỉnh, hằng năm, hội duy trì phối hợp với ngân hàng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội cấp huyện và cơ sở về công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, hội đã tổ chức tập huấn cho 300 cán bộ cấp huyện và cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn công tác giao ban giữa cán bộ hội cơ sở với các tổ TK&VV định kỳ hằng tháng để nắm tình hình quản lý, sử dụng nguồn vốn, bình xét cho vay, kiện toàn ban quản lý tổ TK&VV…
Đặc biệt, hằng năm, công tác kiểm tra, giám sát triển khai nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH tỉnh luôn được hội quan tâm thực hiện có hiệu quả. Theo đó, mỗi năm, hội kiểm tra quản lý, sử dụng vốn vay tại 100% hội cấp huyện. Tại mỗi huyện kiểm tra ít nhất 1 cơ sở và 1 tổ TK&VV. Từ đầu năm đến nay, hội đã kiểm tra tại 2 huyện: Bắc Sơn và Lộc Bình. Cùng với đó, chỉ đạo hội nông dân cấp huyện kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn vay tại 100% hội cơ sở; kiểm tra hoạt động của 100% tổ TK&VV. Tại mỗi xã được kiểm tra phải kiểm tra ít nhất 15% tổ TK&VV; với mỗi tổ TK&VV kiểm tra ít nhất 5 hộ vay… Qua kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động, tích cực chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Hằng năm, các cấp hội luôn quan tâm tập huấn và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động cho vay vốn, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Song song với đó, hội luôn quan tâm củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV trực thuộc. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn của Hội Nông dân tỉnh khá thấp, chỉ chiếm 0,08% tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi bình quân đạt trên 99%. Chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV được đảm bảo, cơ bản xếp loại tốt và khá
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()