Hội Nông dân tỉnh: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho hội viên, nông dân
(LSO) – Nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dạy nghề cho hội viên. Qua đó, giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Là một trong những hội viên nông dân làm giàu từ mô hình chăn nuôi gà, anh Vi Văn Hiếu (thôn Bản Cảng, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình) cho biết: Trước đây, khi mới bắt tay vào nuôi gà, do còn thiếu kinh nghiệm nên đàn gà hay bị bệnh, hiệu quả thấp. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp HND, năm 2017, tôi đã được tham gia lớp đào tạo nghề nuôi gà, được hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, cách phòng bệnh cho gà… Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 2.000 con gà, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình nhờ đó cũng ổn định hơn.
Hội viên, nông dân xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình thực hiện mô hình nuôi gà sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi gà
Đây chỉ là một trong nhiều hội viên, nông dân điển hình được đào tạo, dạy nghề, tư vấn và định hướng để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Những năm qua, các cấp HND trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên, nông dân. Cụ thể, HND tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thành phố và các cấp hội cơ sở hội xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với từng huyện, xã để phối hợp, tổ chức dạy nghề cho hội viên.
Theo đó, công tác đào tạo nghề cho hội viên đã được các cấp HND trong toàn tỉnh chú trọng. Từ năm 2019 đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã tổ chức được hơn 260 lớp dạy nghề cho gần 8.800 hội viên nông dân tham gia, tập trung chủ yếu vào những ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp như: sửa chữa máy cày, chăn nuôi gà, trồng rau an toàn… Các học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên. Sau thời gian học nghề, các học viên hầu hết đều chủ động triển khai vào thực tiễn, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt khoảng 85%.
Song song với đó, khi hội viên, nông dân bắt tay vào thực hiện phát triển kinh tế từ lớp đào tạo nghề, các cấp HND thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, phân bón, cây/con giống… Sau khi tham gia lớp dạy trồng măng tây do HND thành phố tổ chức, bà Trương Thị Bông (thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) đã quyết định trồng 2 sào măng tây. Bà Bông cho biết: Tháng 3/2019, sau khi được tham gia lớp trồng măng tây, tôi đã bắt tay vào trồng thử nghiệm giống cây mới này. Từ số cây giống và phân bón được HND thành phố hỗ trợ, tôi đã áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn, chỉ sau 3 tháng, cây cho thu hoạch lứa đầu tiên. Với giá bán trung bình từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng/năm từ cây trồng này.
Ngoài ra, việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp cũng được HND các cấp triển khai. Hiện toàn tỉnh thành lập được 43 chi, tổ hội nghề nghiệp, là tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân. Đơn cử như tại xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, sau khi tham gia lớp tập huấn nghề nuôi cá do HND huyện tổ chức, chi hội nghề nghiệp chăn nuôi cá nước ngọt Bản Roọng đã được thành lập với 24 thành viên tham gia. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các thành viên đều thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ.
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thời gian tới, HND tỉnh xác định phương hướng đào tạo nghề cho hội viên, nông dân là giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới; tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn, từ đó, định hướng những ngành nghề phù hợp cho người lao động và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn việc làm, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho hội viên nông dân có nhu cầu…
Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đã giúp đời sống của hội viên, nông dân ngày càng ổn định (số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi toàn tỉnh năm 2019 là 9.225 hộ, tăng 3.345 hộ so với năm 2017) và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2019 là 10,89%, giảm 4,94% so với năm 2018). |
Ý kiến ()