LSO-Những năm qua, đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn thuộc tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn; kinh tế của đại bộ phận nhân dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp nhỏ lẻ. Điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, sản xuất mang tính tự cung tự cấp; nhận thức không đồng đều giữa các vùng, địa bàn cư trú của cộng đồng dân cư không tập trung nên có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế chung của tỉnh. Với 5 huyện có đường biên giới giáp nước bạn Trung Quốc, 135 xã, thị trấn biên giới, vùng cao; trên địa bàn tỉnh còn 61 xã đặc biệt khó khăn và 56 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II được đầu tư chương trình 135 giai đoạn II. Từ thực tế đó, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 07/NQ/HND ngày 15/10/ 2005 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt...
LSO-Những năm qua, đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên, Lạng Sơn vẫn thuộc tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn; kinh tế của đại bộ phận nhân dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp nhỏ lẻ.
Điều kiện canh tác khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, sản xuất mang tính tự cung tự cấp; nhận thức không đồng đều giữa các vùng, địa bàn cư trú của cộng đồng dân cư không tập trung nên có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế chung của tỉnh. Với 5 huyện có đường biên giới giáp nước bạn Trung Quốc, 135 xã, thị trấn biên giới, vùng cao; trên địa bàn tỉnh còn 61 xã đặc biệt khó khăn và 56 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II được đầu tư chương trình 135 giai đoạn II. Từ thực tế đó, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 07/NQ/HND ngày 15/10/ 2005 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa IV) về việc “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội nông thôn vùng dân tộc và miền núi khó khăn”.
|
Đường 135 từ xã Đình Lập vào thôn Pò Khoang Ảnh: Hoàng Vương |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết 07/NQ/HND, trong 5 năm qua các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép triển khai vào việc quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND liên quan đến nông, lâm nghiệp nông thôn…đã thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia học tập. Cùng với đó, mỗi cán bộ hội đã luôn ý thức lấy thôn bản làm địa bàn hoạt động để tuyên truyền tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về cả nhận thức, tư tưởng và hành động cho hội viên nông dân đến việc tham gia phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi khó khăn. 5 năm qua, hội đã tổ chức tuyên truyền được 9.539 buổi, với trên 6.000 hội viên tham dự. Thông qua tuyên truyền phổ biến nghị quyết đã góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, hội viên, nông dân vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn, giúp họ hiểu rõ hơn về tổ chức và hoạt động của hội; khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, việc thực hiện nghị quyết đã thu hút đông đảo nông dân vào hội, đến nay 100% thôn bản có tổ chức hội, số hội viên đạt tỷ lệ 80% so với hộ nông nghiệp.
Hơn nữa, để đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; bằng nhiều hình thức tổ chức, các cấp hội đã vận động nông dân hăng hái thi đua lao động, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đến nay, 90% số hộ được sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại quả kinh tế thiết thực. Từ năm 2005- 2009 đã có 45.628 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; giúp đỡ được 6.104 hộ hội viên thoát nghèo và xóa được 1.500 căn nhà tạm. Từ phong trào này đã lôi cuốn, khích lệ hàng chục ngàn hội viên nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư, có ý thức vươn lên làm chủ trong cuộc sống. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp hội ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn đã vận động hội viên nông dân tham gia các chương trình dự án đầu tư của Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, đường, trường, trạm y tế, thủy lợi, công trình cấp nước sạch… Trong đó có thể nói đến chương trình 134, 135 đã tạo bước nhảy vọt về xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất…đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn thật sự phấn khởi, yên tâm sản xuất xây dựng cuộc sống mới trên quê hương, giúp giảm thiểu di dân tự do. Hàng năm, các cấp hội đã tích cực chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ nông dân, phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT ở các cấp hội, tạo khí thế sôi nổi trên địa bàn nông thôn. Qua đó, thúc đẩy xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng.
Như vậy, quá trình thực hiện Nghị quyết 07/NQ/HND đã tạo bước phát triển quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội. Sản lượng lương thực năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh và bước đầu có sản phẩm hàng hóa; từ đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn.
Xuân Hương
Ý kiến ()