Hội Nông dân Lộc Bình: Phát huy vai trò nhận ủy thác vốn vay
(LSO) – Phát huy vai trò “cầu nối” nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, những năm qua, Hội Nông dân huyện Lộc Bình đã làm tốt công tác quản lý, giải ngân vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, giúp hàng nghìn hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, khoa học kỹ thuật, cách thức làm ăn, chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Hoàng Văn Hùng, thôn Nà Mạ, xã Thống Nhất trước đây thuộc diện hộ nghèo, mặc dù có diện tích đồi rừng lớn nhưng thiếu vốn phát triển, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, qua Hội Nông dân xã, ông được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để chăm sóc rừng thông sắp đến tuổi khai thác. Ông Hùng cho biết: “Sau khi được vay vốn, tôi đầu tư chăm sóc rừng thông, gia đình đã có thu nhập một phần từ nhựa thông và trả được tiền ngân hàng. Sau đó, gia đình tôi tiếp tục vay vốn để đầu tư chăm sóc và trồng mới rừng thông kết hợp với chăn nuôi, thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang”.
Hội viên nông dân xã Mẫu Sơn sử dụng nguồn vốn ưu đãi trồng rừng đem lại hiệu quả
Ngoài gia đình ông Hùng, đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình có nhiều gia đình hội viên nông dân nhờ vay vốn từ NHCSXH đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như: mô hình thu mua nhựa thông của ông Đặng Hữu Hinh, xã Ái Quốc; mô hình sản xuất nông lâm nghiệp của anh Hà Văn Tú, xã Sàn Viên; dịch vụ tạp hóa của bà Vi Thị Phương, xã Khuất Xá…
Hiện nay, Hội Nông dân Lộc Bình đang quản lý 76 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 92 tỷ đồng cho 2.077 hộ vay (chiếm 26% dư nợ ủy thác); là đơn vị có dư nợ ủy thác lớn thứ hai (sau hội phụ nữ). Từ nguồn vốn đó, các hội viên vay vốn để đầu tư mở rộng trồng rừng, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ đều có hiệu quả.
Ông Dương Bá Thi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, ngay từ đầu các năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua của hội gắn với thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với NHCSXH. Ngoài ra, hội giao chỉ tiêu và chỉ đạo các hội cơ sở tuyên truyền để các hội viên nắm được chương trình, chính sách vốn mới. Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động ủy thác qua tổ chức hội ngày càng được nâng lên.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hằng năm, cán bộ Huyện hội và hội cơ sở, các trưởng thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đều tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay do NHCSXH huyện, tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, hội tuyên truyền, vận động hội viên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề để áp dụng vào sản xuất. Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có 8.230 lượt hội viên tham dự các lớp tập huấn do huyện tổ chức.
Bên cạnh đào tạo, tập huấn, hội còn chú trọng kiểm tra, giám giát; chỉ đạo các hội cơ sở kiểm tra 100% tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong năm 2019, hội đã kiểm tra 29/29 xã, thị trấn; mỗi xã kiểm tra một tổ tiết kiệm vay vốn và tối thiểu 6 hộ vay… Qua kiểm tra, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả lãi đúng hạn. 100% các tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động khá, tốt, không có tổ trung bình, yếu.
Ông La Nguyên Nhung, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Lộc Bình cho biết: Trong 4 tổ chức hội nhận ủy thác, Hội Nông dân là tổ chức duy nhất không có nợ quá hạn. Hội triển khai các nguồn vốn trong năm kịp thời, các chỉ tiêu thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 2019, Hội Nông dân huyện được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thực hiện tốt Chỉ thị 40.
Nhờ sự góp sức của nguồn vốn ưu đãi, đời sống của hội viên nông dân huyện không ngừng được nâng cao. Trong năm 2019, hội đã giúp được 140 hộ hội viên nông dân thoát nghèo; toàn huyện có 319 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng 6,3% so với năm 2018).
Ý kiến ()