Hội Nông dân huyện Chi Lăng: Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
(LSO) – Thời gian qua, cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, Hội Nông dân huyện Chi Lăng đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chủ động sản xuất, đưa những giống cây mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Theo đó, Hội triển khai thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bà Hà Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, toàn hội có 12.051 hội viên, sinh hoạt tại 187 chi hội. Hằng năm, hội vận động hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời, đổi mới nội dung tư vấn, hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, đào tạo việc làm cho hàng trăm hội viên, nông dân nên đã tạo được nhiều chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, thu nhập của hội viên được nâng cao, đời sống cải thiện, số hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tăng, số hộ nghèo giảm theo từng năm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, hội viên nông dân xã Chi Lăng thu hoạch bưởi
Để hỗ trợ hội viên về vốn sản xuất, hội đã nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho 2.413 hộ vay vốn với tổng dư nợ là 88.558 triệu đồng. Trong năm 2019, Ban Vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, hội viên nông dân trên địa bàn huyện với số tiền gần 300 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ lên hơn 3 tỷ đồng. Kinh phí vận động được Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện tổ chức thẩm định cho vay thực hiện mô hình, dự án quy mô nhóm hộ. Trong năm 2019, đã tiếp nhận và tổ chức thẩm định triển khai cho vay 7 dự án/59 hộ vay với số vốn 1.810 triệu đồng. Hiện nay, các dự án đang phát huy được hiệu quả sử dụng vốn, góp phần xây dựng các mô hình liên kết sản xuất trong hội viên, nông dân.
Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: sản xuất na VietGAP (thị trấn Chi Lăng); HTX nông nghiệp (thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ); mô hình trồng táo chuyên canh (xã Nhân Lý); mô hình nuôi ong lấy mật (xã Vân Thủy)… đem lại thu nhập cao cho các hội viên nông dân từ 200 – 500 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, hội còn đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Năm 2019, có 738 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Để giúp hội viên phát triển kinh tế, hội phối hợp mở 142 lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, cách sử dụng các loại phân bón, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng; mở các lớp dạy nghề cho hội viên nông dân. Cung ứng 631,15 tấn phân bón trả chậm để giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế. Trong năm 2019, hội chủ động phối hợp với các ban, ngành để đẩy mạnh tổ chức các ngày lễ hội truyền thống góp phần quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương, để nông dân có cơ hội tìm được nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Quán Thánh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Những năm gần đây, nhờ được vay vốn, mua phân bón trả chậm và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng mà vườn cây của gia đình được chăm sóc tốt và cho năng suất cao hơn. Đến nay, gia đình tôi đã phát triển được 0,5 ha cây bưởi và hơn 500 gốc na. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi thêm lợn, mỗi năm thu nhập đạt trên 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nhờ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nên năm 2019, toàn huyện đã có 174 nông dân thoát nghèo. Thời gian tới, hội tiếp tục chỉ đạo các cấp hội ở cơ sở đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phối hợp hỗ trợ hội viên vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp…, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Ý kiến ()