Hội Nông dân huyện Chi Lăng: Giải pháp hữu hiệu xây dựng gia đình nông dân văn hóa
– “Phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa (GĐNDVH) luôn được các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn huyện Chi Lăng quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời và đạt kết quả tích cực. ” – Đó là nhận xét của ông Vương Minh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội, HND tỉnh khi đánh giá về việc xây dựng GĐNDVH tại huyện Chi Lăng.
Hội viên nông dân huyện Chi Lăng nghe tuyên truyền về xây dựng gia đình nông dân văn hóa
Ông Triệu Văn Tài, hội viên nông dân (HVND) thôn Hoa Tâm, xã Hòa Bình cho biết: Những năm qua, gia đình tôi nỗ lực phát triển kinh tế, với mô hình trồng cây ăn quả và kinh doanh vật tư nông nghiệp đem lại thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Không chỉ vậy, gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và luôn động viên con cái nỗ lực vươn lên trong học tập. Nhờ đó, trong 5 năm qua, gia đình tôi đều đạt danh hiệu GĐNDVH.
Không riêng hộ ông Tài mà trên địa bàn huyện còn rất nhiều hộ HVND đạt danh hiệu GĐNDVH. Trung bình mỗi năm, toàn huyện có khoảng 11.000 lượt hộ HVND đạt danh hiệu GĐNDVH. Đơn cử năm 2022, toàn huyện có 12.045 hộ đạt danh hiệu GĐNDVH (đạt 110% chỉ tiêu HND tỉnh giao, tăng 296 hộ so với năm 2021) và là một trong hai đơn vị có số GĐNDVH cao nhất trên toàn tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp hội đã vận động 12.268 hộ HVND đăng ký danh hiệu GĐNDVH và nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu.
Ông Vũ Văn Nhân, Chủ tịch HND huyện Chi Lăng cho biết: Hằng năm, căn cứ thực tế, hội giao chỉ tiêu và chỉ đạo các cấp hội tập trung vào việc xây dựng GĐNDVH gắn với các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa và tập trung vào một số tiêu chí cụ thể như: kinh tế gia đình ổn định và phát triển từ nguồn thu nhập chính đáng; thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định… Đồng thời, công tác đăng ký, bình xét, công nhận GĐNDVH được hội giám sát, thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, các cấp HND đã phối hợp tuyên truyền trên 550 cuộc đến hơn 40.000 lượt người về nội dung, ý nghĩa, mục đích của phong trào xây dựng GĐNDVH qua nhiều hình thức như: họp thôn, sinh hoạt chi hội, qua loa truyền thanh… Đặc biệt, từ năm 2021, các cấp hội đã thành lập các nhóm zalo, facebook, trang thông tin của hội… và tập trung tuyên truyền qua các kênh này.
Tiêu chuẩn đạt danh hiệu GĐNDVH: 1. Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú, gồm các tiêu chí: thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định… 2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng… 3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả gồm các tiêu chí: kinh tế gia đình ổn định và phát triển từ nguồn thu nhập chính đáng… |
Ông Đoàn Tuấn Hậu, Chủ tịch HND xã Chi Lăng cho biết: Ngoài việc phối hợp với tổ công tác dân vận của xã đến tuyên truyền trực tiếp tại các hộ, năm 2021, chúng tôi đã thành lập nhóm zalo chung gồm cán bộ HND xã, chi hội trưởng chi HND các thôn để tuyên truyền về thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó, chú trọng việc tuyên truyền về nội dung xây dựng GĐNDVH. Từ đó, mỗi thành viên lại là những tuyên truyền viên tích cực tạo sự lan tỏa đến các thành viên của hội. Nhờ đó, hết năm 2022, toàn xã có 834 hộ đạt danh hiệu GĐNDVH, đạt 109% chỉ tiêu HND huyện giao.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp hội còn đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG). Cụ thể, hội tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp HVND tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức cho HVND đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế… Hiện hội quản lý 20 dự án cho vay từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng cho 171 hộ vay; nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 107 tỷ đồng cho trên 2.600 hộ HVND vay; nhận ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 340 hộ vay với tổng dư nợ trên 22,5 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn trong phát triển kinh tế… Nhờ đó, hiện toàn huyện có 1.043 hộ hội viên đạt danh hiệu SXKDG các cấp (tăng 305 hộ so với năm 2019), đây cũng là 1 trong 3 địa bàn có số hộ SXKDG cao nhất trên toàn tỉnh.
Cùng đó, hội tập trung triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường để giúp các hộ HVND hoàn thành tiêu chí “thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, đổ rác và chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định”. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, hội phối hợp tổ chức tập huấn cho trên 8.000 lượt HVND về các nội dung liên quan bảo vệ môi trường. Nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của HVND, hội đã xây dựng trên 80 mô hình về công tác bảo vệ môi trường như: “Thôn, bản xanh, sạch, đẹp”, mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình lò đốt rác gia đình… Đơn cử từ năm 2019 đến nay, hội xây mới trên 200 lò đốt rác gia đình (trong đó, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo để thực hiện mô hình với số tiền gần 30 triệu đồng), nâng tổng số lò đốt rác của HVND trên toàn huyện lên trên 1.000 lò. Cơ bản các hộ HVND đều chủ động di dời chuồng trại ra xa nhà ở, đảm bảo vệ sinh; các loại chất thải, rác thải được phân loại, dọn dẹp sạch sẽ; đường làng, ngõ xóm được quét dọn thường xuyên, không còn tình trạng xả rác bừa bãi… Đây cũng là đơn vị được HND tỉnh đánh giá là tiêu biểu trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của HVND tham gia bảo vệ môi trường.
Ngoài những tiêu chí trên, các tiêu chí khác trong xây dựng GĐNDVH cũng được HVND tích cực hưởng ứng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có thể thấy, phong trào xây dựng GĐNDVH đã có sức lan tỏa sâu rộng trong HVND và trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình nông dân trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi gia đình HVND.
Ý kiến ()