Hội Nông dân Bình Gia: Đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
– Định hướng, tư vấn cho hội viên, nông dân các loại cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương; hỗ trợ hội viên vay vốn; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… là những hoạt động mà các cấp hội nông dân (HND) huyện Bình Gia đã và đang tích cực triển khai nhằm giúp hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế.
Người dân xã Thiện Long chăm sóc đàn bò theo mô hình bán chăn thả để phát triển kinh tế
Hiện nay, huyện Bình Gia có 19 HND cấp cơ sở với 13.019 hộ hội viên đang sinh hoạt tại 140 chi hội thôn, bản, khối phố. Những năm qua, các cấp HND huyện Bình Gia đã thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đồng thời, các cấp HND trên địa bàn đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật cho hội viên; tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Ông Nông Ngọc Nghinh, Chủ tịch HND huyện Bình Gia cho biết: Xác định việc hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm nên những năm qua, các cấp HND của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi dựa trên điều kiện thực tế và tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, triển khai đa dạng hoạt động hỗ trợ hội viên như: tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ hội viên vay vốn, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế… Từ đó, tiếp thêm nguồn lực để hội viên vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Đơn cử, chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, các cấp HND trong huyện đã phối hợp tổ chức gần 120 cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng; chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh đàn vật nuôi… cho gần 4.000 lượt hội viên, nông dân tham dự. Anh Triệu Văn Cao, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dựa vào việc trồng ngô, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Sau khi được tuyên truyền về chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia các buổi tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật của các cấp HND tổ chức, năm 2019, gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ gần 3 ha đất trồng ngô sang trồng chè. Tôi đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây chè phát triển rất tốt, trung bình mỗi năm cho gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng ngô. Nhờ đó, đời sống gia đình tôi bây giờ đã ổn định hơn.
Ngoài ra, để hội viên, nông dân có vốn phát triển kinh tế, các cấp HND từ huyện đến cơ sở đã đứng ra nhận ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn chính sách. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ vốn chính sách do HND huyện quản lý trên 87 tỷ đồng, cho 1.439 hộ vay. Đồng thời, từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, của trung ương, HND huyện đã thẩm định và hỗ trợ giải ngân 6 dự án với tổng vốn 2,3 tỷ đồng cho 63 hộ hội viên vay phát triển kinh tế…
Ông Hoàng Xuân Lai, thôn Cốc Mặn, xã Mông Ân cho biết: Năm 2018, được sự hướng dẫn của HND xã, gia đình tôi đã vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng hồi trên diện tích đất đồi rừng của gia đình, đến nay đã có gần 4 ha cho thu hoạch. Cùng đó, gia đình còn trồng khoảng 400 cây quýt, nuôi gà, nuôi trâu, bò lấy thịt. Từ mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả và trồng rừng, những năm qua, trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập từ 80 đến 150 triệu đồng.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Bình Gia đã có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế tiêu biểu của nông dân cho thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm, cụ thể như: mô hình trồng cây macca, chăn nuôi bò sinh sản, trồng rau bò khai tại xã Tân Văn; mô hình trồng chanh leo tại xã Bình La, Thiện Long, Hưng Đạo, Mông Ân; mô hình nuôi ốc ruộng, ốc nhồi, bò 3B tại xã Thiện Long; mô hình trồng cây lấy hạt thực hiện tại xã Hoa Thám, Thiện Thuật; mô hình trồng quế tại xã Tân Hòa; mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp tại xã Quang Trung…
Theo báo cáo từ HND huyện Bình Gia, giai đoạn 2018 – 2023, trên địa bàn huyện có 4.080 lượt hội viên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKD) các cấp, hằng năm số hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD các cấp đều đứng trong tốp đầu so với các huyện. Hiện nay, số hộ hội viên nghèo còn 20,63% trên tổng số 13.019 hộ hội viên, mỗi năm giảm trên 6% số hộ hội viên nghèo. So với các huyện, thành phố trong tỉnh thì với điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn (huyện nghèo 30a), địa bàn ở vùng sâu, vùng xa thì kết quả này là một thành công đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế ở huyện Bình Gia.
Ý kiến ()