Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong năm 2015 – thời cơ và thách thức
Năm 2014 vừa qua đi với nhiều biến động, ảnh hưởng tới nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với vị thế của một nước đang phát triển, Việt Nam đã tiếp tục nắm bắt được những thời cơ để tiếp tục đi lên, phát huy nội lực của nền kinh tế trong năm qua và đứng trước một ngưỡng cửa hội nhập mới trong năm 2015.
Điều này đã được Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trưởng Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra. |
Phóng viên (PV): Trong năm 2014, giá dầu đã giảm mạnh, chạm ngưỡng kỷ lục 50 USD thùng. Theo ông, điều này tác động như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?
Ông Sanjay Kalra : Việc giảm giá dầu đã có tác động đối với tất cả mọi quốc gia. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm này thông qua một số kênh sau. Đầu tiên, giá dầu thấp hơn sẽ làm tăng thu nhập và tiêu dùng thực. Thứ hai, giá dầu giảm cũng sẽ làm giảm chi phí sản xuất hàng hóa, từ đó tăng đầu tư và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thứ ba, giá dầu giảm sẽ góp phần giảm lạm phát. Đồng thời, thu ngân sách từ việc tiêu thụ dầu cũng sẽ giảm. Một số loại thuế đã tăng lên để bù cho tác động của việc giảm giá dầu đối với ngân sách. giảm
PV : Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn, trong năm 2014 Việt Nam vẫn vượt mức thu ngân sách so với dự toán. Ông có thể đưa ra đánh giá về những thách thức, khó khăn trong năm 2015 đối với việc thu ngân sách và tình hình kinh tế của Việt Nam?
Ông Sanjay Kalra: Tình hình thu ngân sách của Việt Nam rất đáng hoan nghênh. Một phần là nhờ thu thuế thương mại và thuế thu nhập doanh nghiệp tốt hơn, và các khoản chi trả cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước cao hơn. Xét theo một khía cạnh nào đó, điều này có thể phản ánh sự cải thiện còn chậm của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong tương lai, việc tiếp tục hồi phục kinh tế sẽ giúp cho các hoạt động ngân sách. Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa bằng cách mở rộng diện chịu thuế, trả cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước phải lâu dài, cần phải củng cố hành chính thuế và giảm miễn thuế.
PV: Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong thời gian qua? Với vai trò là một trong những thể chế tài chính quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, IMF có đưa ra khuyến nghị gì cho Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Sanjay Kalra: Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam ( VAMC) đã tích cực trong việc mua lại các khoản nợ xấu (NPLs) từ các ngân hàng nhưng cần phải tăng tốc hơn nữa. Các ngân hàng đã được gia hạn để trích lập dự phòng đối với những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trong khi vẫn còn rất nhiều những rào cản pháp lý đối với việc chuyển giao các khoản nợ và tài sản thế chấp, gây trở ngại đối với việc xử lý nợ xấu. Để thúc đẩy quá trình này nhanh hơn, VAMC cần có nhiều quyền hơn trong việc xử lý tài sản thế chấp, và cần giải quyết những cản trở về pháp lý đối với việc xử lý các tài sản thế chấp trong thị trường tài sản xấu đó. VAMC cũng cần có các nguồn lực lớn hơn về tài chính và nhân lực để xử lý nợ xấu trong thị trường tài sản xấu. Một thị trường như vậy cần có đủ người mua và người bán để hoạt động được và có thể cần cả sự tham gia của bên ngoài và những người có chuyên môn.
Một số vụ sáp nhập ngân hàng đã được lên kế hoạch trong năm 2015 và điều này có thể sẽ giảm gánh nặng hành chính đối với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mặc dù việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém giải quyết được những vấn đề trước mắt, song vẫn cần phải có một chiến lược xử lý toàn diện. Những kế hoạch này phải được dựa trên việc thanh tra ngân hàng tại chỗ để biết mức độ thực của nợ xấu và nhu cầu tái cấp vốn. Những kế hoạch này cần phân biệt giữa các ngân hàng thiếu tính thanh khoản và mất khả năng thanh toán, buộc các cổ đông hiện hữu phải chịu lỗ trước khi được bơm vốn mới, và phải giải quyết tài sản xấu.
Cần phải có dự phòng về ngân sách cho các chi phí tái cấp vốn ngân hàng (và cả tái cơ cấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả hậu quả của việc dư thừa lao động có thể có). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải cách ngân hàng thường liên quan đến nợ dự phòng đáng kể mà cuối cùng là ngân sách phải trả, đặc biệt trong trường hợp của các ngân hàng thương mại nhà nước.
PV: Trong năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán ba Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và với Liên minh Hải quan Belarus-Kazakhstan và Nga. Ông có thể cho biết, những hiệp định tự do thương mại này sẽ mở ra những cơ hội và thách thức gì với Việt Nam trong tương lai?
Ông Sanjay Kalra : Việc Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương với một số đối tác trong năm 2014 là một kết quả ấn tượng. Những FTA này sẽ mở ra thêm cơ hội luân chuyển hàng hóa tự do hơn qua biên giới quốc gia, và do đó có thể tiếp cận thị trường và nhu lớn hơn. Điều này cũng sẽ giúp tăng nguồn cung đối với thị trường nội địa với giá có thể thấp hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng có một số thách thức liên quan tới việc cạnh tranh thương mại tăng lên. Để đối phó thành công với những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện cơ cấu về thể chế và nâng cao năng xuất lao động. Đây chính là những yếu tố sẽ giúp Việt Nam hạ chi phí lao động và các chi phí sản xuất phi nhân công khác, từ đó tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như là một điểm đến của đầu tư và kinh doanh.
Đặc biệt, việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và những thành quả về ổn định đạt được trong những năm qua sẽ giúp giữ lạm phát ở mức thấp, giữ cho tỷ giá ổn định và tiếp tục cải thiện niềm tin vào tiền Việt Nam đồng. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp tạo dựng một nền tảng vững chắc để nâng cao vị thế thương mại.
PV : Năm 2015 là thời điểm tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào giai đoạn nước rút, và là thời điểm các nước trong khu vực hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo ông, Việt Nam cần phải thực hiện những lộ trình cải cách nào và đưa ra những thay đổi gì về chính sách nhằm bảo đảm lợi ích kinh tế khi những mục tiêu trên trở thành sự thật?
Ông Sanjay Kalra: Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ đối với AEC và TPP. Hai thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội quý báu để Việt Nam có thể tiếp cận với một thị trường rộng lớn hơn để xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống. Về TPP, lợi thế so sánh trong ngành may mặc và giầy da đã giúp tăng triển vọng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong tương lai. Trong khi đó, những thỏa thuận TPP và AEC sẽ đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao chất lượng và các chuẩn mực trong lĩnh vực xuất khẩu nếu như muốn tận dụng tối đa việc tiếp cận thị trường lớn hơn thông qua dịch chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn.
Ngoài việc tận dụng các lợi thế về tiếp cận thị trường lớn hơn và các mức thuế suất thấp hơn thì một số lĩnh vực khác như giảm hàng rào phi thuế quan, các chính sách thúc đẩy thương mại sẽ giúp cải thiện các thể chế tại Việt Nam, giảm chi phí kinh doanh, tạo điều kiện để nâng cao tính cạnh tranh và tăng trưởng cao hơn. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết thực hiện cải cách khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Những cam kết theo TPP sẽ là yếu tố bổ sung giúp Việt Nam có thể tiến nhanh hơn trong những lĩnh vực cải cách này.
PV : Xin trân trọng cảm ơn ông.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()