Hội nhập giáo dục qua việc thu hút sinh viên quốc tế
Cơ hội nâng cao chất lượng đào tạo
Nhận định về xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học hiện nay, TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học FPT khẳng định đây là xu hướng tất yếu, là yêu cầu bắt buộc với nền giáo dục của các quốc gia.
Tại diễn đàn hợp tác giáo dục đại học Việt Nam-châu Âu vừa diễn ra, nhiều diễn giả đã ví von quốc tế hóa giáo dục là hoạt động “xuất khẩu” trong giáo dục, là kinh tế giáo dục. Qua việc quốc tế hóa, hội nhập hoàn toàn giáo dục là để phát triển dịch vụ giáo dục. Việc phát triển kinh tế giáo dục không chỉ phục vụ cho chính quốc gia đó mà còn gắn với các quốc gia khác trên thế giới thông qua việc cung cấp dịch vụ giáo dục toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để nâng chất lượng đào tạo.
Chia sẻ về vai trò hội nhập quốc tế trong giáo dục, Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Vang cho hay: “Những thứ chúng ta đang nghiên cứu thì nước ngoài đã có rồi. Do đó chúng ta có thể tận dụng những thành tựu, kết quả nghiên cứu, thực hành tốt những cái đã có để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong nước. Nếu hợp tác quốc tế tốt, chúng ta tận dụng được kinh nghiệm, cách thức và sự giúp đỡ của quốc tế, chắc chắn sẽ rút ngắn được thời gian, giảm được khoảng cách với giáo dục nước ngoài”.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trong đó có thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ông Vang cũng chỉ ra rằng hội nhập quốc tế là phải tuân theo luật chơi chung với thế giới, nghĩa là chúng ta không chỉ chờ đợi họ cho mình mà giáo dục Việt Nam cũng phải có những đóng góp cho thế giới. Một trong những đóng góp đó chính là việc phải nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, từ đó thu hút thêm nhiều sinh viên nước ngoài tới học tập, tìm hiểu văn hóa Việt Nam.
Hiện nay số lượng sinh viên Việt Nam đi nước ngoài học tập ngày càng tăng, bên cạnh đó số lượng sinh viên học các chương trình liên kết quốc tế và sinh viên nước ngoài tới Việt Nam học cũng đang tăng. Vấn đề là làm thế nào để tăng hơn nữa số lượng sinh viên đó.
Đánh giá về xu thế trao đổi sinh viên giữa Việt Nam và các nước, TS. Đàm Quang Minh cho rằng nếu coi giáo dục như một ngành kinh tế thì Việt Nam đang “xuất siêu” về giáo dục. Cán cân “xuất – nhập khẩu” giáo dục của chúng ta đang nghiêng về “xuất khẩu” nhiều hơn. Mặt khác, xu thế này thể hiện nền giáo dục Việt Nam chưa thực sự hội nhập với giáo dục thế giới vì chất lượng chương trình của chúng ta chưa được nhiều trường đại học ở các nước công nhận và sử dụng.
Tăng cường tham gia kiểm định quốc tế
Hiện Việt Nam rất khó thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, vì vậy, ông Đàm Quang Minh cho rằng các trường muốn nâng cao chất lượng thì phải thu hút được sinh viên nước ngoài. Hiện nay chúng ta mới có liên kết quốc tế nhưng chủ yếu là sinh viên Việt Nam theo học, như vậy chưa thể gọi là chương trình quốc tế hoàn toàn.
Theo ông Minh, chúng ta cũng có một số thuận lợi là sự phát triển của kinh tế thế giới đang nghiêng về khu vực Đông Á khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Việt Nam… là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhưng để biến thuận lợi đó thành cơ hội thì chúng ta cần chuẩn bị áp dụng các chương trình giáo dục quốc tế vào giảng dạy, đưa tiếng Anh vào sử dụng trong nhà trường như một ngôn ngữ giao tiếp, giảng dạy chính và xây dựng được chương trình hữu ích để thu hút sinh viên quốc tế.
Đặc biệt, việc kiểm định các chương trình đào tạo là bắt buộc nếu muốn hội nhập và phải là kiểm định quốc tế. Kiểm định có 2 bước, bước thứ nhất là kiểm định chương trình đào tạo, bước thứ hai là kiểm định cơ sở đào tạo. Từng bước cần tham gia tổ chức kiểm định quốc tế để đạt tới một mặt bằng chung với khu vực và thế giới.
Việc các trường đại học Việt Nam tham gia kiểm định quốc tế và đạt chuẩn chính là sự bảo đảm chất lượng đào tạo của trường. Đây là tiền đề để thu hút sinh viên quốc tế tới học. Nếu không có sự công nhận, thừa nhận chất lượng mang tính quốc tế thì rất khó thu hút.
Muốn hội nhập, TS. Đàm Quang Minh cho rằng phải tiến hành từng bước. Trước hết là phải có các chương trình học quốc tế, sau đó là giảng viên có trình độ, năng lực quốc tế, có sinh viên quốc tế và phải có sự hiện diện của các trường Việt Nam ở nước ngoài.
Còn TS. Nguyễn Xuân Vang nhấn mạnh trong việc tăng cường hội nhập, thu hút sinh viên quốc tế, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ về chính sách, cơ chế. Nhưng cùng với Bộ, các trường cũng phải nỗ lực đầu tư nâng cấp chương trình và cơ sở vật chất để thu hút sinh viên nước ngoài.
Ý kiến ()