Hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
LSO-Hôm nay (21/6), UBND tỉnh tổ chức hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí: Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, vụ việc có nguy cơ gây mất ổn định về an ninh trật tự. Các nội dung công dân trình bày vẫn chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện các dự án và thực hiện chính sách xã hội… Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của các cấp, các ngành, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, công tác này ở một số nơi, vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu còn chưa rõ nét, thiếu chủ động trong nắm bắt diễn biến tình hình tại địa phương; chất lượng tham mưu giải quyết đơn thư của một số cơ quan còn hạn chế…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tham gia ý kiến thảo luận, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các đại biểu cũng nêu những giải pháp, kiến nghị, đề xuất với tỉnh để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đồng chí yêu cầu: Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đúng và trách nhiệm, coi việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là vấn đề quan trọng. Theo đó, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu đơn vị cần công khai, minh bạch, tuyên truyền, giải thích đối với chủ trương mới liên quan đến lợi ích của người dân; bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; chủ động giải quyết những việc thuộc cấp mình; quán triệt, triển khai nghiêm túc các quy định về công tác tiếp dân, giải quyết thấu đáo mọi vấn đề; nâng cao năng lực, trách nhiệm, đạo đức công vụ, đặc biệt là người trực tiếp làm công việc liên quan trực tiếp đến dân; phát huy có hiệu quả vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là MTTQ, các đoàn thể, các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, người đứng đầu các đơn vị cần nhận thức rõ trách nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhận định, đánh giá đúng tình hình chung cũng như từng vụ việc khiếu nại, tố cáo để có hướng xử lý; thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo. Những vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, đông người thì cần phải có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể để giải quyết; các huyện, thành phố rà soát đội ngũ cán bộ cơ sở để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ. Cùng đó, Thanh tra tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xin ý kiến các bộ, ngành trung ương về những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, vướng mắc; Công an tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…
Ý kiến ()