Hội nghị Trung ương 7: Cần thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ 3 đề án
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII diễn ra từ ngày 7-12/5, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như các Đề án liên quan đến công tác cán bộ, cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực
Liên quan đến Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đang được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7, ông Lê Văn Chấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai, nhận xét Đảng đã nhận thấy những khuyết điểm trong công tác cán bộ thời gian qua, cần phải nghiêm túc tìm ra các biện pháp để khắc phục, sửa chữa. Cái tốt hiện nay là lòng dân thống nhất cao với Đảng và Đảng đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm trong công tác cán bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và dân tộc. Những vấn đề như chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.
Đảng viên Đặng Hữu Hào, cựu chiến binh quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng công tác cán bộ là vấn đề lớn, quyết định đến sự thành, bại của các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Hào phân tích, cán bộ giỏi là người trải qua thực tế, am hiểu lĩnh vực phụ trách và hoạt động tốt các phong trào, được cơ sở tín nhiệm, tin yêu.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, chỉ có công khai minh bạch hóa mọi vấn đề, mới giải quyết được tình trạng “chạy chức, chạy quyền.”
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quan tâm đào tạo sớm, đào tạo trình độ cao ở trong và ngoài nước, đặc biệt chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ để giải quyết bài toán cục bộ địa phương, hạn chế được tình trạng “con ông, cháu cha.”
Ông Nguyễn Văn Rua, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, đánh giá cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định mọi vấn đề của đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (Khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, Đảng luôn chăm lo và hết sức quan tâm đến công tác cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn bộc lộ những hạn chế.
Thời gian tới, Đảng cần đề ra những giải pháp đủ mạnh để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất đạo đức, có uy tín và năng lực ngang tầm nhiệm vụ được giao; đó phải là những cán bộ có tâm và có tầm.
Ông Rua tin tưởng chắc chắn rằng Đảng sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đi đôi với cải tiến chính sách tiền lương để cán bộ có điều kiện thuận lợi hơn, an tâm công tác, phấn đấu vươn lên; tinh gọn biên chế đủ số lượng, đồng bộ, cán bộ phát huy năng lực chuyên môn cao nhất và có thu nhập tương xứng.
Ông Mã Tuấn, Bí thư Chi bộ Tổ 8, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku (Gia Lai), mong Trung ương ra được nhiều chính sách đúng hơn nữa để ổn định chính trị, từng bước nâng cao đời sống; khuyến khích và trọng người tài, xóa bỏ bất công, tham nhũng.
Cải cách chính sách tiền lương tạo động lực cho người lao động
Về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, ông Phan Thành Sơn, nguyên Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho rằng việc xây dựng đề án đã nói lên ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách tiền lương. Đề án này sẽ đem đến nhiều niềm vui, niềm tin vào Đảng càng vững chắc. Về các giải pháp, nhất là giảm biên chế phải làm khẩn trương để thực hiện sớm chính sách tiền lương; Chính phủ cần tổng kết việc xác định vị trí việc làm đúng và thực sự khách quan.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai Huỳnh Văn Tâm, hiện chính sách tiền lương dù đã cải cách nhưng vẫn chưa tạo được động lực đủ mạnh cho người hưởng lương để phát huy tài năng và cống hiến, không thu hút được nhân tài. Mặt khác, tiền lương thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước.
Đề án cải cách tiền lương đưa ra tại Hội nghị Trung ương lần này cần phải có những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Ông Đỗ Như Thuần – Chánh Văn phòng Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng – cho biết vấn đề cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được người dân rất quan tâm. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của đất nước và những bất cập khác nên hiện thu nhập từ lương chưa bảo đảm được cuộc sống của nhân dân. Thực tế cho thấy nhiều công chức, viên chức do mức lương thấp, phải tìm mọi cách để cải thiện cuộc sống nên sự tâm huyết với công việc là chưa cao. Do đó, Đề án cải cách tiền lương thực sự cần thiết góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo ông Thuần, cần tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng quỹ lương, góp phần tạo động lực để các cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân
Đối với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Thanh Khê (Đà Nẵng) Trần Đình Hải khẳng định thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã có nhiều thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và những người tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Ông Trần Đình Hải tin tưởng chính sách bảo hiểm xã hội sẽ được cải cách theo hướng từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Để bảo hiểm xã hội thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, Ông Phan Văn Quảng, nguyên Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, thấy rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đọng, trục lợi bảo hiểm xã hội theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội và cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội có thẩm quyền xử phạt…
Về mở rộng diện bao phủ đóng bảo hiểm xã hội, ông Bùi Hữu Phong – nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương – cho rằng lượng công nhân tại tỉnh Bình Dương rất lớn, khi nghỉ việc họ chấp nhận trợ cấp một lần cho trước mắt mà không tính lâu dài.
Đối với doanh nghiệp trốn đóng hoặc dây dưa không chịu đóng bảo hiểm xã hội, đề nghị Nhà nước cần có chính sách phạt thật nặng vì đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Về chi trả quỹ bảo hiểm xã hội ở doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả, khi về hưu thì trách nhiệm thuộc bưu điện xã. Nếu người nào đau ốm, bệnh tật không đi được thì bưu điện xã phường đến trực tiếp gia đình chi trả, không tính chi phí. Về mức tiền phải đóng, để dễ dàng, thuận tiện cho người dân cần quy định đóng 6 tháng, 12 tháng…, không nhất thiết phải bằng lương tối thiểu cơ sở./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()