Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Sáng 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, kỳ thi năm nay cả nước có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 47.330 thí sinh so với năm 2023); cả nước có 2.323 điểm thi với tổng số 45.149 phòng thi. Cùng đó, có tổng số 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh; trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP HCM có 13.076 thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 – 2023; Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương, theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo một số nội dung chính trong chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; trao đổi, chia sẻ một số lưu ý, những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc tại các địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu: Ban chỉ đạo thi các cấp cần quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, sâu sắc các nhiệm vụ đã được nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.
UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức kỳ thi, nhất là các phương án ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, tình huống bất thường; tổ chức tập huấn cho những người tham gia tổ chức kỳ thi; thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo quy định; chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ cho thí sinh và người thân của thí sinh ở các điểm thi, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo; chủ động làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin công khai, minh bạch về kỳ thi.
Ban chỉ đạo thi các tỉnh cần xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của kỳ thi để phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên tham gia nhiệm vụ thi, đặc biệt là khâu in, sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi. Công tác coi thi phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế; việc chấm thi phải thực hiện theo đúng quy trình, quy chế, đúng tiến độ; chế độ thông tin báo cáo phải kịp thời, đầy đủ. Cùng đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện công tác kiểm tra các khâu tổ chức thi; tăng cường cập huấn, nâng cao trình độ về tổ chức thi, coi thi cho cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thi.
Theo báo cáo của ban Chỉ đạo thi tỉnh Lạng Sơn, kỳ thi năm nay tỉnh Lạng Sơn có 9.516 thí sinh đăng ký dự thi, toàn tỉnh thành lập 21 điểm thi với 412 phòng thi. Đến nay, công tác chuẩn bị, tổ chức thi đã được Ban Chỉ đạo thi các cấp trên địa bàn tỉnh chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, sẵn sàng cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả cao trên địa bàn tỉnh.
|
Ý kiến ()