Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
LSO-Chiều nay (17/4), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19 với 63 điểm cầu trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo hội nghị.
Tại điểm cầu Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 17/4/2020, Việt Nam có 268 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó, 198 trường hợp đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong), cả nước có 27 tỉnh, thành phố có trường hợp mắc Covid-19.
Tại Lạng Sơn, tính đến ngày 16/4/2020, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19. Tại 3 khu vực cách ly tập trung của tỉnh đã tiếp nhận 3.829 trường hợp công dân Việt Nam từ vùng có dịch trở về (3.454 trường hợp đã hoàn thành cách ly 14 ngày, 275 trường hợp còn lại tiếp tục cách ly). Toàn tỉnh có 654 người liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã qua theo dõi, cách ly 14 ngày, sức khỏe ổn định. Đối với trường hợp liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 262 làm việc tại Công ty Samsung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, qua rà soát, Lạng Sơn có 44 trường hợp, tất cả các trường hợp đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý vào Dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Dự thảo chỉ thị đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi toàn quốc như: Các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong.
Dự thảo chỉ thị cũng đưa ra các biện pháp áp dụng cho 3 nhóm nguy cơ: Nhóm nguy cơ cao với 12 tỉnh, thành phố thực hiện cách ly toàn xã hội đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; nhóm có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố trong đó có Lạng Sơn tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến hết ngày 22/4/2020; nhóm nguy cơ thấp có 35 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ .
Tại hội nghị đã có 23 ý kiến phát biểu đều cơ bản đồng ý với Dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ, các địa phương có nhiều ý kiến bổ sung để hoàn thiện dự thảo như: bổ sung các biện pháp áp dụng cho 3 nhóm nguy cơ; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đảm bảo công tác phòng dịch hiệu quả đi đôi với việc phát triển kinh tế.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến
triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
Phát biểu tại điểm cầu Lạng Sơn, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh đồng ý với các ý kiến đóng góp vào Dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí góp ý vào dự thảo chỉ thị bao gồm: cần bổ sung các trường hợp quy định hạn chế người dân ra ngoài; quy định rõ thời gian, địa điểm cần hạn chế tập trung đông người; đề nghị dừng vận chuyển hành khách liên tỉnh và hạn chế vận chuyển hành khách nội tỉnh.
Cùng với đó, đồng chí kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn trong việc xét nghiệm sàng lọc các trường hợp lái xe ngoại tỉnh tham gia và điều khiển phương tiện, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới phục vụ công tác phát triển kinh tế – xã hội chung.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch phù hợp với tình hình, hoàn cảnh, điều kiện của từng bộ, ngành, địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và thực hiện tốt 5 nguyên tắc trong phòng chống dịch.
Đặc biệt, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân hiểu rõ về dịch bệnh, đảm bảo có thể chung sống an toàn với dịch bệnh trên từng lĩnh vực, từng đối tượng cụ thể, góp phần thúc đẩy những chuyển biến tích cực của xã hội. Đồng thời, từng địa phương cần có biện pháp thận trọng phù hợp để từng bước đưa nhịp sống nhân dân trở lại bình thường, đảm bảo “mục tiêu kép” là phòng chống dịch hiệu quả đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()