Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Sáng 13/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Trong năm 2022, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 đạt 3,36%, tăng cao nhất trong những năm gần đây, trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 73%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 47,1 triệu tấn, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng, trong đó, giá trị 1 ha đất trồng trọt đạt 104,2 triệu đồng (tăng 0,6% so với năm 2021). Chăn nuôi có bước phát triển theo hướng trang trại, gia trại theo chuỗi khép kín, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,05 triệu tấn (tăng 3,5% so với năm 2021).
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được mở rộng, năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD (tăng 9,3% so với năm 2021). Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, hết năm 2022, cả nước có 8.689 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.919 sản phẩm so với năm 2020)…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp năm 2022 đạt 5,01%. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp, ngành của tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cây thạch đen (3.368 ha), cây ớt (1.388 ha), cây thuốc lá (2.336 ha)…
Ngoài ra, chương trình OCOP tiếp tục triển khai có hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh có 94 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được toàn ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt, dự ước hết năm 2022, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân 1 xã đạt 12,92 tiêu chí/xã.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ thêm các kết quả đã đạt được, phân tích một số khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2023, toàn ngành NN&PTNT đề ra chỉ tiêu tốc đô tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,0%; tổng kinh ngạch xuất khẩu nông; lâm, thủy sản khoảng 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đạt 80%.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2022, toàn ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả khá toàn diện, khẳng định trụ đỡ của ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chênh lệch giữa các vùng miền; đầu ra sản phẩm OCOP còn hạn chế; cơ cấu lại lao động ngành nông nghiệp…
Đồng chí đề nghị thời gian tới, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, quy hoạch xây dựng phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu phù hợp với sự phát triển khoa học công nghệ đết phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi số, cách mạng 4.0, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn gắn phát triển với du lịch.
Cùng đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngành ngân hàng đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nguồn cung ứng nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình, cách làm hay, cách làm mới của các cơ quan, đơn vị của các địa phương; làm tốt công tác dự báo cung cầu, dự báo thị trường, tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập của người dân…
Ý kiến ()