Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
– Sáng 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiên Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Dự tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và cán bộ, lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Công tác đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nền nếp, thực chất và hiệu quả. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.
Qua tổng kết, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Vì vậy, Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đề xuất Bộ Chính trị ban hành Kết luật của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương và các ban, ngành trung ương đã phát biểu tham luận về những thuận lợi, khó khăn trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Cùng đó, đề nghị tiếp tục ban hành, triển khai Nghị quyết 29 trong thời gian tới.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được bước phát triển quan trọng. Môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục được nâng lên; công tác duy trì sĩ số được chú trọng, tỷ lệ huy động các cấp học đạt kết quả cao và ổn định; kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững ở 100% xã, phường, thị trấn (cấp tiểu học duy trì phổ cập giáo dục mức độ 3). Hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh; cơ sở vật chất trang thiết bị được đầu tư, bổ sung, các điều kiện về thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh ngày càng tăng, cụ thể như năm 2023 đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo nâng từ 39% (năm 2013) lên 62% (năm 2022), qua đó đã góp phần vào thành tích chung của ngành GD&DT cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn một số khó khăn như: cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu, còn 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép; thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1.029 giáo viên so với định mức quy định…
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ GD&ĐT, Ban cán sự Đảng, Bộ Chính trị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29; đề nghị Chính phủ chỉ đạo giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập theo tinh thần “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” phù hợp với đặc thù vùng miền núi có quy mô trường lớp nhỏ lẻ; đảm bảo lương nhà giáo được ưu tiên, yên tâm gắn bó với nghề…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 29, cùng đó nhấn mạnh các cấp, ngành cần kiên định, nhất quán với định hướng đổi mới; đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới – những vấn đề Nghị quyết 29 chưa có điều kiện đề cập nhiều. Từ đó, đề xuất trong Kết luận của Bộ Chính trị một số việc để có thể tăng cường thích ứng, xử lý, vượt qua được thách thức.
Ý kiến ()