Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế
LSO-Sáng nay (23/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững”.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế
tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, đoàn thể, tổ chức quốc tế…
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành liên quan.
Hội nhập quốc tế là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới. Triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế (ngày 10/4/2013) và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần XII (tháng 1/2016) đã đề ra, công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác.
Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực KT-XH.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, Việt Nam giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, tạo cơ hội mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định FTA (với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu, CPTPP, EVFTA…); tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 (tháng 2/2019)…
Tại hội nghị, đại biểu đã nghe các tham luận, ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề như: tăng cường công tác đối ngoại Đảng; triển khai định hướng chiến lược hội nhập quốc tế trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội; vai trò của công đoàn Việt Nam trong hội nhập quốc tế; cơ hội và thách thức đối với nông dân, doanh nghiệp trước hội nhập quốc tế…
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận
tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác hội nhập quốc tế
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Đối với tỉnh Lạng Sơn, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22, công tác hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, đạt được nhiều kết quả tích cực như: Quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện với Quảng Tây (Trung Quốc) được tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu. Ngoài ra, tỉnh đã từng bước thúc đẩy mở rộng hợp tác với một số địa phương của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp…
Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện đường tuần tra biên giới; chính sách hỗ trợ cho cư dân định cư sát biên giới; duy trì và nâng cao hiệu quả của “Chương trình gặp gỡ đầu xuân” và cơ chế Uỷ ban công tác liên hợp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của một số bộ, ngành, địa phương trong công tác hội nhập quốc tế. Thủ tướng lưu ý ban chỉ đạo về hội nhập quốc tế, các ngành, địa phương cân đối cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, thúc đẩy hội nhập chủ động; giữ vững ổn định kinh tế xã hội, hội nhập nhưng không hòa tan, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển khoa học công nghệ, nắm bắt kịp thời để cạnh tranh và phát triển, đặt nền móng cho công nghệ cao, công nghệ số…
Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là nhiệm vụ của toàn dân. Các cấp, ngành phải coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, nâng tầm tư duy về hội nhập theo tinh thần đối ngoại đa phương phù hợp với tình hình mới. Hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm lực, phát triển quốc gia đạt nhiều thành tựu mới.
Ý kiến ()