Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm
LSO-Sáng nay (11/1), tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Theo báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2016-2019 của Bộ Y tế, từ năm 2017 đến 2019, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương.
Từ năm 2017-2019 có 712.960 cơ sở được thanh tra, kiểm tra/năm (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011-2016); số cơ sở bị xử lý/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần).
Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Tình hình ngộ độc thực phẩm đã giảm, trong năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 1.994 người mắc, 1.918 người nhập viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (giảm 29,6%), số mắc giảm 1.478 người (giảm 42,6%), số nhập viện giảm 1.135 người (giảm 37,2%), số tử vong giảm 9 người (giảm 52,9%).
Công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm sạch được đẩy mạnh, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) chủ yếu là sản phẩm thực phẩm nông nghiệp (thực phẩm, đồ uống, thảo dược…) thu hút sự hưởng ứng của cả nước.
Hiện nay có 3.794 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 374 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Cả nước có 6 tỉnh đã thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gồm: Quảng Ninh, Bến Tre, Quảng Nam, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên.
Tại Lạng Sơn, công tác quản lý nhà nước về ATTP đã đi vào nề nếp, hiệu quả. Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP các cấp thường xuyên được kiện toàn để thực hiện tốt chức năng đảm bảo ATTP trên địa bàn.
Năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập 691 đoàn, đội thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp, qua đó, đã thanh tra, kiểm tra 4.940 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 383 cơ sở với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 19 mô hình sản xuất rau an toàn, giá trị thu được hơn 800 tỷ đồng/năm; đã có 2 sản phẩm nông sản gồm hoa hồi Lạng Sơn và hồng không hạt Bảo Lâm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 5 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Công tác phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm được thực hiện nghiêm túc, năm 2019, toàn tỉnh có 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Lãng do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn Ecoli vượt mức giới hạn cho phép.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người nên công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng.
Thủ tướng yêu cầu: Các cấp, ngành cần tăng cường vận động, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm vi phạm để tăng tính răn đe, giáo dục; nghiên cứu, góp ý để hoàn thiện thể chế về quản lý ATTP; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thực phẩm theo chuỗi, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để thực hiện vệ sinh ATTP có hiệu quả trong thời gian tới.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()