Hội nghị trực tuyến tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Các đại biểu tại điểm cầu Lạng Sơn
– Chiều 1/11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có lãnh đạo Sở Y tế, Phòng nghiệp vụ Y dược, Phòng Kế hoạch – Tài Chính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Theo báo cáo, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 5.114 thiết bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin do các tổ chức quốc tế tài trợ, trong đó có 4.906 chiếc tủ lạnh, 108 tủ âm sâu, 1.600 hòm lạnh, 5 xe tải lạnh và 1.500 thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động. Nhờ đó, nhu cầu hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin của các cơ sở y tế từng bước được đáp ứng, trong đó tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đáp ứng 100%, tuyến huyện 90% và tuyến xã 30%.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2020 đến nay, Sở Y tế đã tiếp nhận 187 tủ lạnh bảo quản vắc xin tiêm chủng mở rộng, trong đó tuyến xã được cấp 174 tủ, đạt tỷ lệ 87%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá việc bàn giao, vận hành và đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo trì hệ thống thiết bị dây chuyền lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin như: Ban hành hướng dẫn liên quan để các địa phương có cơ sở bố trí kinh phí bảo trì sửa chữa hệ thống thiết bị; đào tạo nhân viên vận hành, bảo trì hệ thống dây chuyền lạnh; tiếp tục quan tâm trang bị đầy đủ hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin cho các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành hỗ trợ cho công tác tiêm chủng mở rộng của Việt Nam, đảm bảo tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao; trang bị thêm hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin cho các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chủ trì soạn thảo, tham mưu ban hành hướng dẫn sử dụng, bảo quản, vận hành hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin; đào tạo cán bộ thực hiện nhuần nhuyễn hệ thống để đảm bảo chất lượng vắc xin; chuẩn hóa hệ thống phần mềm tiêm chủng áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Các địa phương cam kết bố trí kinh phí, nhân lực để vận hành, bảo trì, sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin hiệu quả, an toàn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị được cấp thiết bị dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin sử dụng tốt các thiết bị, đảm bảo vắc xin được bảo quản tốt theo quy định; phân bổ các thiết bị, đăng ký nhu cầu vắc xin phù hợp đảm bảo người dân ở tất cả các vùng miền được tiêm chủng đầy đủ vắc xin, nhất là khi số lượng và chủng loại vắc xin dự kiến sẽ được bổ sung trong thời gian tới.
Ý kiến ()