Hội nghị trực tuyến diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020
LSO-Ngày 22/7/2020, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên toàn thể diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020; triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự và chủ trì diễn đàn có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ban, ngành trung ương; đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các doanh nghiệp.
Các đại biểu dự diễn đàn tại điểm cầu Lạng Sơn
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các doanh nghiệp đang triển khai các dự án đầu tư năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Khai mạc diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55/NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và 2045 có nhiều điểm mới và đột phá với quan điểm chỉ đạo và mục tiêu hướng tới là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng – an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, để đưa nghị quyết vào cuộc sống cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện tốt các khâu tuyên truyền; thực hiện và kiểm tra giám sát. Muốn vậy, phải làm rõ từng nhiệm vụ, phải xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh; phát triển khoa học công nghệ…
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết 55 gồm: hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý để tạo lập môi trường, huy động các nguồn lực cho đầu tư cho phát triển năng lượng, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; tập trung hoàn thiện quy hoạch năng lượng cũng như xây dựng chiến lược phát triển năng lượng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045…
Báo cáo toàn thể và thảo luận tại diễn đàn, đại diện một số tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước có ngành công nghiệp năng lượng phát triển đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong thực hiện phát triển năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
Các tổ chức quốc tế cũng cam kết hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, sẵn sàng liên kết để Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo.
Các đại biểu đại diện các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp thảo luận tại hội nghị đều đồng thuận kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện chương trình hành động; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho huy động nguồn lực phát triển toàn diện, bền vững năng lượng quốc gia. Từ đó thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khoa học công nghệ cho phát triển năng lượng nhất là năng lượng tái tạo gắn với xây dựng thị trường năng lượng một cách đồng bộ.
Giải đáp làm rõ các ý kiến, kiến nghị tại diễn đàn, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các bộ liên quan đã làm rõ một số quan điểm, định hướng, nhiệm vụ để đưa Nghị quyết 55 vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Theo đó, các nhiệm vụ sẽ phải tập trung triển khai trong thời gian tới như: bổ sung chương trình dự án xây dựng pháp luật của Chính phủ liên quan đến chương trình phát triển năng lượng trình và bổ sung vào chương trình nghị sự của Quốc hội; hướng dẫn các địa phương quy hoạch phát triển năng lượng dựa trên lợi thế, thế mạnh…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết 55 của Bộ chính trị vào cuộc sống có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay. Do đó, các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị này sẽ được Ban tổ chức hội nghị tổng hợp, giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 55 trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký thực hiện một số dự án năng lượng quy mô lớn giữa UBND các tỉnh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trị giá hàng chục tỷ USD.
Ý kiến ()