Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh an toàn trường học
LSO-Ngày 17/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Theo số liệu của tổ chức Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia: Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy, cứ 10 học sinh thì có 7 em từng trải nghiệm bạo lực học đường. Chỉ tính trong 6 tháng (10/2013 – 3/2014), số học sinh bị bạo lực (ở mọi hình thức: tinh thần, thể xác…) tại trường học của Indonesia là 75%, Việt Nam đứng thứ hai với 71%.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trường học. Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường. Chính vì vậy, để xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện, tại hội nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt các nghị định, quyết định, chỉ thị của trung ương trong thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận chính sách về phòng chống bạo lực học đường, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó bàn thảo, thống nhất công tác triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị trong ngành giáo dục cần tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm, từ đó có biện pháp gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo, trong đó, chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên chủ nhiệm; đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát; tích cực phát hiện, nêu gương người tốt việc tốt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo, các hành vi bạo lực học đường…
Ý kiến ()