Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15
Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị là Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Sáng 15/6, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15 (ADMM-15) được tổ chức dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Awang Halbi bin Haji Md Yussof, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 Brunei.
Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị là Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Brunei Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Awang Halbi bin Haji Md Yussof chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị; nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc tới tình hình kinh tế-xã hội của các nước ASEAN. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để các nước ASEAN đảm bảo sự kiên cường trước các thách thức.
Cho rằng hợp tác quốc phòng trong ASEAN có thể tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sau khi các nước đã thể hiện tinh thần hợp tác kể từ khi đại dịch bùng phát tại khu vực, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 Brunei, các thành viên ASEAN đang tiếp tục nỗ lực hết mình cùng hành động tập thể.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 Brunei bày tỏ hy vọng ADMM-15 sẽ thành công nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng, vì lợi ích chung của khu vực: “Hội nghị hôm nay là một minh chứng rõ nét ADMM đã hình thành được 15 năm và đây là lúc chúng ta cùng nhìn lại những gì đã đạt được và tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến. Tôi tin rằng ADMM với tư cách là cơ chế hợp tác, tham vấn quốc phòng cao nhất trong ASEAN, có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.”
Tại Hội nghị, đại diện Brunei đã báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức quốc phòng cao cấp ASEAN (ADSOM) họp vào tháng 3/2021.
Hội nghị cũng thông qua các tài liệu khái niệm, tài liệu thảo luận, Quy trình hoạt động chuẩn mới và tài liệu sửa đổi… đã được Hội nghị ADSOM xem xét, trình lên ADMM; đánh giá việc thường niên hóa Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM ).
Nêu ý kiến về vấn đề thường niên hóa ADMM , Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang khẳng định: “Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời và phát triển của cơ chế ADMM vào năm 2010 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Cơ chế ADMM đã tạo ra cho Bộ trưởng Quốc phòng chúng ta cơ hội để trao đổi về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh và đặc biệt qua cơ chế này, hợp tác thực chất của quân đội các nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại đã được thúc đẩy mạnh mẽ.”
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, chính từ những kết quả đó, từ năm 2013, tần suất họp ADMM được các nước thành viên nhất trí tăng lên hai năm một lần, và sau đó từ năm 2017, ADMM đã được thống nhất tổ chức hàng năm. Bên cạnh đó, số lượng các nhóm chuyên gia được tăng từ 5 lên 7.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng việc thường niên hóa đã đáp ứng mong muốn của các nước thành viên ADMM trong tăng cường trao đổi quan điểm, đặc biệt khi bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động; cũng như thể hiện cam kết cùng nhau thúc đẩy hợp tác thực chất nhằm đóng góp hơn nữa cho hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.
Đồng thời, Bộ trưởng Phan Văn Giang đánh giá cao tài liệu đánh giá việc thường niên hóa ADMM do Singapore xây dựng và nhất trí với đề xuất tiếp tục tổ chức ADMM thường niên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất về công tác chuẩn bị cho Hội nghị ADMM lần thứ 8; thông qua việc tổ chức các Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng các nước đối tác trong năm 2021.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung ADMM lần thứ 15 – Tuyên bố Bander Seri Begawan kỷ niệm 15 năm ADMM hướng tới một ASEAN sẵn sàng cho tương lai, hòa bình và thịnh vượng.
Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), theo lịch trình đã được nhất trí.
Ngoài ra, các bên cũng cam kết thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Đồng thời, Tuyên bố cũng thể hiện cam kết của các thành viên ASEAN trong thời gian tới về việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ứng phó với đại dịch theo hướng dẫn của Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó với dịch bệnh, bao gồm thông qua Trung tâm Quân y ASEAN và Mạng lưới chuyên gia ASEAN về CBR (Mạng lưới các chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ) dưới mọi hình thức đối thoại, chia sẻ thực tiễn tốt nhất và các bài học được rút ra; tìm kiếm các hình thức hợp tác mới, trong đó có hợp tác liên trụ cột và liên ngành, hỗ trợ năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó của ASEAN để vượt qua các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Tuyên bố cũng cho thấy sự thống nhất của các Bộ trưởng trong việc nhấn mạnh sự cần thiết duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Tuyên bố hoan nghênh các sáng kiến xây dựng lòng tin như Bộ Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES), Hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự (GAME), Hướng dẫn tương tác trên biển, Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN (ADI) và các hoạt động khác trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tăng cường thông tin liên lạc, xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, cũng như giảm thiểu căng thẳng, nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm và những tính toán sai lầm trên không và trên biển./.
Ý kiến ()