Hội nghị toàn quốc triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Sáng 8-1, tại Hà Nội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm quán triệt và triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch QH, Chủ tịch ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chủ trì Hội nghị.Dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư. Dự Hội nghị tại đầu cầu các địa phương,...
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. |
Sáng 8-1, tại Hà Nội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm quán triệt và triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch QH, Chủ tịch ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư. Dự Hội nghị tại đầu cầu các địa phương, có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu QH, Ủy ban MTTQ của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nêu rõ: Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nghị quyết của QH về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, quá trình sửa đổi Hiến pháp đã diễn ra đúng kế hoạch, tiến độ và có những kết quả bước đầu quan trọng. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân. Do đó, cần phải triển khai đồng bộ, khoa học, hiệu quả, nhất là công tác giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng để thu hút sự tham gia của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu và đóng góp ý kiến một cách thiết thực. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trình bày Chỉ thị số 22-CT/T.Ư ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hướng tới các mục tiêu quan trọng là: Vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo, để khi Hiến pháp chính thức ban hành thật sự là một văn bản kết tinh ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; làm cho nhân dân thêm thấm nhuần đường lối của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng và vận dụng vào việc góp ý những nội dung trong Dự thảo. Công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền cần làm rõ nhận thức việc sửa đổi Hiến pháp là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị; thể hiện thái độ tích cực và tinh thần xây dựng của toàn xã hội đối với việc sửa đổi Hiến pháp; đồng thời, phải thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là phát huy cao nhất vai trò làm chủ đất nước của nhân dân ta. Công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền cần làm cho mọi người nhận thức được rõ việc lấy ý kiến nhân dân không phải là một việc mang tính hình thức, mà là sinh hoạt chính trị, sinh hoạt pháp lý nhằm mang đến kết quả thực chất về thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền phải làm cho nhân dân tin tưởng những ý kiến góp ý được trân trọng, được nghiêm túc tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu tối đa.
Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền phải bám sát đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng. Đối với các ý kiến góp ý được chọn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần bảo đảm khách quan, mang tính tiêu biểu và tính xây dựng. Tránh khuynh hướng thông tin phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, không trung thực. Việc lấy ý kiến nhân dân lần này được triển khai trên phạm vi rộng, thành phần tham gia đa dạng, với những đặc điểm về vùng, miền, dân tộc, nghề nghiệp, giới tính. Các cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tưởng, công tác tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tổ chức quán triệt đến mọi tổ chức đảng và đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo; tạo mọi điều kiện cần thiết để cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc ban, bộ, ngành, địa phương mình tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân… Phát huy ưu thế của các lực lượng làm công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền; phối hợp tốt giữa các lực lượng đó để tạo thành sức mạnh tổng hợp; đồng thời sáng tạo, linh hoạt trong phương thức tuyên truyền. Việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt pháp lý rộng lớn không chỉ đối với các tầng lớp nhân dân trong nước mà còn đối với cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Vì vậy, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại có vai trò quan trọng để nhân dân thế giới và cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài biết rõ về sự kiện chính trị quan trọng đang diễn ra ở Việt Nam, hiểu rõ mong muốn của nhân dân Việt Nam về một Hiến pháp thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta.
Các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo về chín nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình bày Báo cáo về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo đó, chậm nhất đến ngày 15-3 năm nay, Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ QH phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải được gửi đến Chính phủ; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam phải được gửi đến Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam để tổng hợp.
Chậm nhất đến ngày 31-3, Ủy ban Thường vụ QH; Chính phủ; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Chậm nhất đến ngày 20-4, Ban Biên tập của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, để trình Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét, quyết định.
Các đồng chí đại diện lãnh đạo các địa phương phát biểu ý kiến cho biết, đang tích cực triển khai và khẳng định quyết tâm thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời trao đổi và thống nhất một số vấn đề trong công tác tổ chức việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
Phát biểu ý kiến bế mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nêu rõ: Hội nghị đã quán triệt một cách sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xác định đây là công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong các tháng đầu năm 2013… Đồng chí đề nghị: Sau hội nghị này, lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình một cách cụ thể, chặt chẽ, khoa học theo đúng Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của QH và Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Lãnh đạo và tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ và hiệu quả. Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng; sự tham gia tích cực, khẩn trương, nghiêm túc của các ngành, các cấp, các địa phương. Chỉ đạo chặt chẽ công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, kịp thời đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()