Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014
Ngày 8/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2014. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, trong năm qua, công tác tư pháp đã được Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, trong năm qua, các địa phương đã huy động được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đề xuất ý kiến trong quá trình sửa đổi bổ sung, xây dựng báo cáo ý kiến góp ý, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: VL) |
Các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ trình 29 dự án luật, pháp lệnh; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 23 luật, pháp lệnh trong đó có những dự án luật quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng…, qua đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng một bước quan trọng những yêu cầu cấp thiết của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, hoàn thành việc xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có chuyển biến tích cực. Tính đến 23/12/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 123/164 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đạt 75%, đặc biệt trên 90% số nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực đã được ban hành.
Cũng trong năm 2013, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã thẩm định 8.941 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm tra, xử lý, rà soát 41.549 văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thành việc đơn giản hóa 4.016/4.714 thủ tục hành chính. Công tác thi hành án có chuyển biến tích cực, tỷ lệ án có điều kiện thi hành về việc đạt 77,81%, về tiền là 56,1% (cao hơn 10,4% và 25,01% so với năm 2012); kết quả thi hành án tăng cao, về việc tăng 24,71% và về tiền tăng 180%…
Tuy nhiên, song song với những kết quả đạt được công tác tư pháp vẫn còn có nhiều bất cập, như: Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chậm so với yêu cầu, nhất là các thông tư, thông tư liên tịch; việc phổ biến và giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, mang tính phong trào; nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chậm đi vào cuộc sống; thủ tục hành chính còn rườm rà, việc thực thi chưa nghiêm…
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, năm 2014, ngành tư pháp cả nước tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là trong các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt là các dự án có sử dụng đất; công bố kịp thời các thủ tục hành chính mới; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan giải quyết vấn đề di cư tự do, hộ tịch, quốc tịch tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia; thực hiện tốt công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án. Ngành sẽ tham gia chủ động vào việc giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan đến Nhà nước, Chính phủ Việt Nam; nâng cao hơn nữa chất lượng đàm phán quốc tế; xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng của ngành tư pháp Việt Nam trong năm 2013. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế mà ngành tư pháp cần khắc phục, sửa đổi để hoàn thiện hơn trong thời gian tới như: hệ thống pháp luật hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; việc theo dõi thi hành pháp luật chưa mang lại hiệu quả; thi hành án dân sự chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chậm được đổi mới; người dân, doanh nghiệp vẫn còn bức xúc với nhiều thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, thuế, hải quan…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2014, một trong những nhiệm quan trọng của đất nước là tổ chức thi hành Hiến pháp sửa đổi. Do vậy, ngành tư pháp cần nhanh chóng tổ chức triển khai thật nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trước mắt, cần tập trung rà soát, lập danh mục các luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với quy định của Hiến pháp, đề xuất xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đảm bảo khoa học, hợp lý, khả thi.
Cùng với đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, rà soát, công bố và đơn giản thủ tục hành chính; giải quyết các tiêu cực còn tồn tại trong thi hành án dân sự; tạo thuận lợi cho người dân trong các thủ tục. Ngành tư pháp cần chuẩn bị điều kiện cần thiết để đưa Luật xử phạt vi phạm hành chính vào cuộc sống; chủ động hội nhập pháp luật quốc tế, hạn chế tối đa rủi ro tranh chấp pháp lý. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác tư pháp và pháp luật, tiếp tục thực hiện đề án xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp trở thành các trung tâm lớn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành tư pháp.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()