Sáng 30-9, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ 2006 – 2010, do Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức, đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Chi, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị, có đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy; các đảng ủy trực thuộc Trung ương; Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm UBKT các tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo các ban của Đảng.
Phát biểu ý kiến với Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương, đánh giá cao những kết quả và thành tích của các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đã đạt được trong nhiệm kỳ 2006 – 2010. Đồng chí chỉ rõ: Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các mặt công tác, thu được những kết quả toàn diện, có nhiều nét nổi bật, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đã có sự chuyển biến tích cực cả trong nhận thức và trong hành động; nâng cao được vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng… Việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Điều lệ Đảng và các Nghị quyết của Trung ương thành các quyết định, quy định, quy trình càng rõ ràng, chặt chẽ thì càng bảo đảm được sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, cấp dưới đỡ khó khăn, lúng túng, vướng mắc trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra hằng năm một cách khá nền nếp, với hàng nghìn cuộc kiểm tra, giám sát tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và cấp ủy các cấp. Kết quả nhiều cuộc kiểm tra được tổng kết từ cơ sở lên đến Trung ương, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp thảo luận và ra văn bản kết luận đối với từng cuộc kiểm tra, có tác dụng và hiệu quả rõ rệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định, bổ sung, sửa đổi quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở tầm vĩ mô.
Kết quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong nhiệm kỳ vừa qua, có vai trò rất quan trọng của UBKT Trung ương và UBKT các cấp trong công tác tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy. Công tác xây dựng ngành kiểm tra và các hoạt động khác của UBKT các cấp cũng có nhiều đổi mới, tiến bộ. Công tác kiểm tra, giám sát của UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn ngừa, hạn chế sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Sau khi nêu lên những mặt còn hạn chế, khuyết điểm, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh nội dung định hướng, mục tiêu và một số yêu cầu cơ bản đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong thời gian tới, tập trung là: Cấp ủy các cấp phải tiếp tục giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, nhiệm vụ và các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Cần tập trung hơn nữa việc xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước đang còn thiếu hoặc không còn phù hợp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, quy chế, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị đã ban hành. Cấp ủy các cấp tích cực, chủ động và đích thân kiểm tra, giám sát toàn diện các mặt công tác của đảng bộ mình, tập trung đi sâu vào kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, củng cố đoàn kết nội bộ, giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm cán bộ chủ chốt và người đứng đầu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy và các tổ chức đảng. Nâng cao hơn nữa vai trò tham mưu của ủy ban kiểm tra các cấp đối với cấp ủy. Cần phối hợp tốt với các tổ chức đảng và cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát; giữa kết quả hoạt động giám sát với chỉ đạo, tổ chức kiểm tra. Phải xử lý thận trọng, khách quan, nghiêm minh và triệt để kết quả kiểm tra, giám sát; Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT các cấp…
Trước đó, phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nêu mục đích của Hội nghị nhằm đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và quy định của Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới, kịp thời động viên, khen thưởng các đơn vị làm tốt; bàn nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ XI. Đồng chí cũng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ các nội dung: Về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2006 – 2010, cần làm rõ những thuận lợi, khó khăn, khẳng định những thành tích, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời chỉ ra những việc chưa làm được, những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2011 – 2015, đồng chỉ chỉ rõ: Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng, cấp ủy các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức, tạo ra sự đồng tâm, hiệp lực trong toàn Đảng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020; Phải tìm tòi, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; Thực hiện toàn diện, có chương trình, theo kế hoạch nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát được quy định tại Điều lệ Đảng. Dự báo đúng tình hình để khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.
Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nhiệm kỳ 2006 – 2010, do đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương, trình bày tại hội nghị, nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong bối cảnh kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng Đảng đã có những đổi mới, tiến bộ, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước tình hình trên để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng và UBKT các cấp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện định hướng, nhiệm vụ về công tác kiểm tra, giám sát mà Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, tham gia chống tiêu cực, tham nhũng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Báo cáo đã chỉ rõ những ưu điểm trong lĩnh vực công tác này, nổi bật là: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương, cấp ủy các địa phương, đơn vị đã ban hành một hệ thống các văn bản đồng bộ, toàn diện về công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo việc triển khai quán triệt các quy định của Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp trên và cấp mình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đến tổ chức đảng và đảng viên kịp thời, nghiêm túc, có hiệu quả; Nội dung kiểm tra phù hợp, đã bám sát tình hình thực tế, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; Hằng năm cấp ủy các cấp đã chủ trì tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, qua đó hoạt động UBKT được hiệu quả hơn; Cấp ủy các cấp đã kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT các cấp bảo đảm đủ số lượng, tăng cường chất lượng; đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định Điều 32 Điều lệ Đảng. Một số nhiệm vụ thực hiện đạt kết quả cao hơn so với nhiệm kỳ Đại hội IX của Đảng, như kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm tăng 6%, kiểm tra tài chính đảng tăng hơn bốn lần…; công tác giám sát là nhiệm vụ mới thực hiện trong nhiệm kỳ nhưng đã phát huy hiệu quả, từ đó ngăn ngừa được những vi phạm khi mới manh nha; phát hiện những bất cập trong lãnh đạo, quản lý trong cơ chế, chính sách để đề xuất điều chỉnh, bổ sung sửa đổi, hoàn thiện… Đồng thời Báo cáo cũng đã nghiêm túc chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế, phân tích những nguyên nhân cùng các bài học kinh nghiệm lớn trong lĩnh vực công tác này.
Hội nghị cũng đã tập trung trí tuệ thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra giám sát nhiệm kỳ đại hội XI của Đảng cùng những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tiến hành tổng kết phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng của ngành kiểm tra Đảng nhiệm kỳ 2006 – 2010; đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2011 – 2015. Theo đó, toàn ngành phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng thời triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội; xây dựng ngành vững mạnh, toàn diện đáp ứng nhiệm vụ xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Hội nghị tiếp tục làm việc đến hết ngày 1-10.
Ý kiến ()