Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
– Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 500 đại biểu dự trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn dự hội nghị trực tiếp tại Hà Nội.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo, qua 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoạt động của Ban chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua có bước chuyển biến tích cực, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương…
Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh.”
Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ rất quan trọng vô cùng khó khăn, phức tạp, nên phải kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực với bước đi vững chắc, tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với, đó cần xây dựng cơ chế phòng ngừa, xử lý để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; phát huy tính gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực các cơ quan chức năng làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trong sạch. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
NGỌC HIẾU - THANH MAI
Ý kiến ()