Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2016
Sáng 26/3, Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2016 đã khai mạc tại Trụ sở Trung ương Đảng. Về dự Hội nghị có hơn 400 đại biểu là Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Bí thư Ban cán sự Đảng, đảng đoàn các cơ quan Trung ương...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị , Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2015, nhìn lại 5 năm nhiệm kỳ 2010-2015; xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2016, tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã gợi mở một số nội dung để các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về: Đóng góp của ngành Tổ chức X ây dựng Đảng đối với Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với ngành Tổ chức Xây dựng Đảng; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ; Cơ chế vận hành trong hệ thống chính trị; đổi mới công tác phối hợp trong và ngoài ngành tổ chức xây dựng Đảng.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị các đại biểu chia sẻ những cách làm mới, sáng tạo, những mô hình tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên tiên tiến, bài học kinh nghiệm rút ra; thảo luận những vấn đề cần đột phá trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Tổ chức Xây dựng Đảng những năm tới.
Điểm nhấn trong công tác tổ chức xây dựng Đảng
Năm 2015 và nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đã bám sát Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; triển khai thực hiện và hoàn thành một khối lượng công tác lớn; đã tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Ngành đã chủ trì thực hiện 21/21 nội dung, trong tổng số 58 nội dung dự kiến của Chương trình làm việc toàn khóa Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; 100% các đề án, nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp giao trong năm 2015 hoàn thành và được đánh giá tốt.
Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái trong Đảng; đồng thời khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và trong thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có chuyển biến mới tích cực.
Ngành tiếp tục thực hiện Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; điều động, luân chuyển số lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; các đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và hầu hết các đồng chí cấp ủy viên các cấp đều nằm trong quy hoạch, đã được đào tạo, bồi dưỡng.
Ngành tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm về công tác cán bộ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tham mưu ban hành và thực hiện nghiêm Quy chế bầu cử trong Đảng; Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ… góp phần phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp.
Ngành chủ động tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra việc chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là Đại hội XII của Đảng. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện…
Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã khẳng định vai trò tham mưu cho cấp ủy các cấp trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Tuy nhiên, công tác tổ chức xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế: Nhìn chung tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ trùng chéo, cơ chế vận hành còn nhiều bất cập; hoạt động chưa hiệu lực, hiệu quả; tinh giảm biên chế không đạt yêu cầu; công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn hạn chế; ở một số nơi, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự gương mẫu, ý thức trách nhiệm chưa được đề cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều; chính sách đối với cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…
Nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả công tác tham mưu
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng những kết quả tốt đẹp mà ngành Tổ chức Xây dựng Đảng đã đạt được trong năm 2015 và nhiệm kỳ vừa qua.
Tổng Bí thư khái quát những thành quả của năm 2015 với bốn điểm sáng: Về phát triển kinh tế-xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững ổn định chính trị xã hội, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước; tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao vai trò, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, để lại dấu ấn tốt đẹp đối với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, những thành tựu đó là công sức chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp to lớn của công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Nhìn lại năm 2015, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, với chất lượng ngày càng được nâng cao. Ngoài những việc phải làm thường xuyên, cũng có nhiều việc mới, việc khó, nhưng đã được tiến hành một cách bài bản, chặt chẽ, có hiệu quả, từ công tác tổ chức chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp đến Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ; từ củng cố tổ chức cơ sở đảng đến công tác đảng viên; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng các quy chế, quy trình làm việc, các văn bản hướng dẫn thực hiện; đổi mới phương thức, lề lối làm việc, quy trình công tác.
Phương pháp công tác, cách thức làm việc có nhiều đổi mới, cải tiến. Điểm nhấn mạnh mẽ của công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2015 và nhiều năm qua là ngành đã phối hợp, tham mưu chuẩn bị, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng.
Tuy nhiên, thực tế còn không ít hạn chế, khuyết điểm, còn nhiều việc chưa làm được, dư luận xã hội còn những bức xúc, nhân dân chưa yên lòng. Công tác tổ chức xây dựng Đảng là lĩnh vực rất phức tạp, rất khó, vì nó động chạm đến con người, là công tác con người, liên quan đến tâm tư, tình cảm, lợi ích của con người…
Tổng Bí thư đề nghị, Hội nghị cần thẳng thắn thảo luận, đánh giá đúng thực trạng công tác tổ chức xây dựng Đảng, những việc cần rút kinh nghiệm và phải khắc phục cho được , bằng luật pháp, quy chế, quy định, kiểm tra, đôn đốc ráo riết. Tổng Bí thư chỉ rõ, những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm.
C ơ bản nhất trí với 5 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp mà Ban Tổ chức Trung ương đã đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm 2016 là một năm rất quan trọng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng , vì là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội kh óa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đất nước ta đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới to lớn, nặng nề, khó khăn ; các thế lực xấu, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để chống phá quyết liệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, nhưng đổi mới phải đúng phương hướng của Cương lĩnh và Hiến pháp mới được thông qua; tiếp tục phát huy dân chủ nhưng phải có kỷ cương, kỷ luật. Đổi mới chính trị không có nghĩa là thay đổi chế độ chính trị, không có nghĩa là làm thay đổi bản chất của Đảng, Nhà nước ta…
Tổng Bí thư chỉ rõ: Phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 kh óa XI về xây dựng Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tổng Bí thư yêu cầu chú trọng hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới nâng cao chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ, trọng tâm là đánh giá cán bộ, nâng cao chất lượng cơ sở đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nêu gương, nói đi đôi với làm, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng…
Năm 2016 và những năm tới, ngành tổ chức xây dựng Đảng phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho năm 2016 và trong cả nhiệm kỳ để khẳng định vai trò tham mưu trực tiếp giúp cấp ủy các cấp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Trước mắt, ngành tổ chức xây dựng tập trung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Đồng thời, toàn ngành phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của cấp ủy các cấp về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng; tham mưu sơ kết, tổng kết thực tiễn, nhất là các mô hình, những cách làm mới, sáng tạo có hiệu quả ở các cấp.
Ngành tổ chức xây dựng Đảng cần nghiên cứu, nâng cao hơn nữa vai trò , hiệu quả công tác tham mưu về quy trình công tác cán bộ, từ phát hiện, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, bổ nhiệm, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ…
Tổng Bí thư lưu ý, cần tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy các cơ quan làm công tác tổ chức xây dựng Đảng một cách phù hợp; xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, từng cơ quan, xác định rõ vị trí, việc làm, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chức danh của ngành tổ chức xây dựng Đảng; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan làm công tác tổ chức xây dựng Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để làm tốt các nhiệm vụ nêu trên, đội ngũ cán bộ của ngành phải không ngừng phấn đấu vươn lên, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, sâu sát thực tiễn, giữ vững nguyên tắc, chịu khó lắng nghe.
Những người làm công tác tổ chức xây dựng đảng có vinh dự lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng, đòi hỏi phải có hiểu biết tương đối toàn diện, nắm vững Điều lệ Đảng, nắm vững các nguyên tắc, quy tắc, quy định, văn bản có liên quan và phải vận dụng nhuần nhuyễn, đặc biệt là phải hết sức nhân văn, công tâm, trong sáng, khách quan, tận tụy với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào.
Cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng phải có dũng khí, dám ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng.
Tổng Bí thư mong muốn ngành tổ chức xây dựng Đảng thật sự là một ngành mẫu mực, vẻ vang, thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị được giao./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()