Hội nghị toàn cầu hệ thống lương thực thực phẩm bền vững
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
– Ngày 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức khai mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống LTTP lành mạnh, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội nghị có các đại biểu đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
Tham dự hội nghị về phía Việt Nam có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương…
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chào mừng các đại biểu đã đến dự hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống LTTP bền vững – mạng lưới Một hành tinh do Việt Nam đăng cai tổ chức, đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của hội nghị. Ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việt Nam chân thành, trân trọng cảm ơn các tổ chức của Liên hợp quốc, đặc biệt là hệ thống chương trình LTTP bền vững, cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp về những hỗ trợ quý báu trong thời gian qua và rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian tới; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời mong rằng hội nghị sẽ có những giải pháp hữu hiệu nhất để đạt được mục tiêu đề ra.
Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống LTTP bền vững nhằm chia sẻ các hành động, công cụ và sáng kiến chuyển đổi hệ thống LTTP đã được triển khai nhằm phổ biến và thúc đẩy nhân rộng trong quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia và địa phương; tăng cường thúc đẩy cách tiếp cận hệ thống LTTP, quản trị toàn diện và hợp tác ở tất cả các cấp, bao gồm Công ước đa phương và đặc biệt là Công ước Rio nhằm thúc đẩy việc xây dựng các kế hoạch hành động liên ngành hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững trong hệ thống LTTP; tạo cơ hội để các đầu mối quốc gia, các liên minh, các sáng kiến và các tác nhân trong hệ thống LTTP được chia sẻ và tăng cường năng lực để hướng tới lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTT bền vững.
Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra từ hôm nay đến ngày 27/4/2023 với các nội dung đưa ra thảo luận như: xem xét lại các mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; rà soát các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương; các mô hình tiêu thụ và sản xuất; thúc đẩy chuyển đổi thông qua khoa học, tài chính, quyền con người và sáng tạo; đối thoại của các đầu mối quốc gia về hệ thống LTTP cùng một số sự kiện bên lề, tham quan thực địa.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về nông nghiệp để lãnh đạo, chỉ đạo góp phần tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm. Qua đó, tỉnh đã xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó đến nay, cơ bản 95% giống cây trồng, vật nuôi được sử dụng là giống mới, ngắn ngày, năng suất, chất lượng tốt; đề nghị cấp mã số cho 182 vùng trồng nông sản xuất khẩu; xây dựng và cấp giấy chứng nhận 94 sản phẩm OCOP…Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021 (từ 12,2% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ). |
TÂN AN
Ý kiến ()