Hội nghị thường niên ADFIAP lần thứ 38 tại Nha Trang
Hội nghị thường niên ADFIAP (Tổ chức các định chế tài chính phát triển châu Á - Thái Bình Dương) lần thứ 38 do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đăng cai dự kiến được tổ chức từ ngày 13 đến 15-5-2015 tại TP Nha Trang (Khánh hòa) với chủ đề: "DFIs và cơ sở hạ tầng bền vững: Khung chính sách, Các hoạt động thực tiễn và Thách thức".
Lịch sử hình thành và các hoạt động chính của ADFIAP
ADFIAP là một tổ chức phi Chính phủ được thành lập ngày 1-10-1976 xuất phát từ mong muốn của các ngân hàng phát triển trong khu vực được liên kết và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để cải thiện tình hình tài trợ phát triển.
Ban đầu ADFIAP có 31 thành viên ký kết vào điều lệ dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) -một thành viên đặc biệt của Hiệp hội.
Đến nay ADFIAP đã trở thành một tổ chức lớn với 131 thành viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
ADFIAP là tâm điểm của tất cả các ngân hàng phát triển và các tổ chức tài chính khác tham gia vào việc tài trợ phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của ADFIAP là để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các thành viên. ADFIAP cũng là một thành viên sáng lập của Liên đoàn Thế giới về các tổ chức tài trợ phát triển bao gồm các hiệp hội khu vực châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương, châu Mỹ la-tinh và Trung Đông. ADFIAP là một tổ chức phi chính phủ có chức năng tư vấn cùng với Hội đồng Kinh tế và Xã hội của LHQ. Ban Thư ký thường trực của ADFIAP có trụ sở tại thành phố Maka-ti (Ma-ni-la, Phi-li-pin).
ADFIAP được thành lập với mục đích thúc đẩy phát triển bền vững thông qua tăng cường các thể chế và chức năng tài chính phát triển, nâng cao năng lực của các thành viên và nguồn nhân lực của mình và ủng hộ phát triển những cải tiến về tài chính.Thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính phát triển của các thành viên, ADFIAP hướng tới một tương lai phát triển kinh tế, môi trường, xã hội bền vững và phát triển trong khu vực, với việc người dân chính là người thụ hưởng cuối cùng.
Sự phát triển bền vững của ADFIAP được thể hiện thông qua sự thỏa mãn nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại đến thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai trên ba phương diện: kinh tế, sinh thái, xã hội. Phát triển chú ý đến hiệu suất kinh tế, hòa hợp sinh thái, công bằng xã hội – phát triển mọi mặt.
Về tổ chức:Đại hội đồng là cơ quan cao nhất của ADFIAP, họp định kỳ hai năm một lần để bầu Hội đồng quản trị của Hiệp hội và các vấn đề tổ chức.
Hội đồng quản trị quản lý chuyên về vấn đề chính sách. Hội đồng quản trị bao gồm không quá 30 thành viên bỏ phiếu bầu hợp lệ của Hiệp hội, từ số đó bầu Chủ tịch, ba Phó Chủ tịch và Thủ quỹ. Tổng Thư ký là một thành viên của Hội đồng.
Về quản lý:ADFIAP được quản lý bởi một Tổng Thư ký, được hỗ trợ bởi đơn vị dịch vụ gọi là ban thư ký. Ban thư ký có một trung tâm có chức năng kinh doanh đầy đủ và nhân viên chuyên nghiệp để thực hiện các chương trình, cam kết, và các nhiệm vụ của mình. Đối tượng phục vụ chính là: các thành viên, dự án, đào tạo và kỹ năng, thông tin, tài chính và quản trị. Viện Phát triển Tài chính châu Á -Thái Bình Dương của Hiệp hội thực hiện các khóa đào tạo thường xuyên và quản lý các chương trình kỹ năng của Hiệp hội. Ban giám đốc của ADFIAP có nhiệm vụ xây dựng tương lai của Hiệp hội, đặt ra tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu hoạt động của Hiệp hội.
Các đơn vị dịch vụ của ADFIAP – Viện Tài chính Phát triển châu ÁThái Bình Dương của ADFIAP (IDF): Viện tổ chức các hoạt động đào tạo và xây dựng năng lực thường xuyên theo hai loại: trợ cấp một phần hoặc toàn bộ và thu phí. Chương trình được trợ cấp một phần hoặc toàn bộ do các nhà tài trợ tổ chức và thực hiện.
– ADFIAP Consulting (AC):Các đơn vị tư vấn và dịch vụ tư vấn của Hiệp hội các tổ chức tài trợ phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương (ADFIAP), đặt tâm điểm vào 127 thành viên các tổ chức ở 44 quốc gia và vùng lãnh thổ để tham gia vào việc tài trợ phát triển bền vững.
– Viện Công dân có trách nhiệm của ADFIAP (Viện ARC):Các CSR và tiếp cận đơn vị của Hiệp hội các tổ chức tài trợ phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương (ADFIAP), đặt tâm điểm vào 127 thành viên các tổ chức ở 44 quốc gia và vùng lãnh thổ để tham gia vào việc tài trợ phát triển bền vững trong khu vực.
VDB và quá trình tham gia vào ADFIAP
VDB được thành lập trên cơ sở tổ chức lại hệ thống Quỹ Hỗ trợ Phát triển theo Quyết định 108/2006/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-5-2006. Ngân hàng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không tham gia bảo hiểm tiền gửi và được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán. Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Thời gian hoạt động là 99 năm.
VDB hiện đang triển khai các công việc: Thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Nhận ủy thác quản lý nguồn vốn ODA; nhận ủy thác, cấp phát cho vay, thu hồi nợ; ủy thác cho các tổ chức thực hiện nghiệp vụ tín dụng của VDB; Tham gia hệ thống thanh toán phục vụ các hoạt động của VDB; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu.
Ngay sau khi gia nhập, VDB đã tham gia tích cực vào các hoạt động của ADFIAP: năm 2006, VDB là quan sát viên tại Hội nghị thường niên 29 tại Cô-lôm-bô, Xri Lan-ca; năm 2007, VDB được kết nạp là thành viên chính thức tại Hội nghị thường niên 30 tại Hà Nội; từ năm 2012, VDB trở thành thành viên HĐQT Hiệp hội; năm 2015, VDB đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 38 tại Nha Trang, Việt Nam.
Là thành viên của ADFIAP, VDB thường xuyên có các hoạt động hợp tác với Hiệp hội như: Tham gia các Hội nghị thường niên, các Hội thảo quốc tế, chủ trì các Hội thảo của ADFIAP tại Việt Nam, chủ trì Chương trình khảo sát tại Việt Nam và Chương trình hợp tác, khảo sát học tập ở tổ chức thành viên. Trong đó điển hình là việc chủ trì Hội thảo “quản trị và phát triển bền vững” tại Hà Nội (năm 2008); thực hiện Chương trình khảo sát SMEs tại Hà Nội (năm 2010); chủ trì “Hội thảo về thể chế hóa nghĩa vụ công dân của doanh nghiệp tại các tổ chức tài chính” tại Quảng Ninh (năm 2011); thực hiện Chương trình tham quan học tập các doanh nghiệp tài chính vi mô và phát triển cộng đồng tại Việt Nam(năm 2014)…
Hội nghị thường niên ADFIAP lần thứ 38 do VDB đăng cai được tổ chức từ ngày 13 đến 15-5-2015 tại Nha Trang với chủ đề:”DFIs và cơ sở hạ tầng bền vững: Khung chính sách, Các hoạt động thực tiễn và Thách thức”. Trong đó DFIs là tổ chức tài chính tài trợ vi mô, phát triển cộng đồng, các quỹ quay vòng cho vay, thực hiện cung cấp tín dụng cho các khoản vay có rủi ro cao hơn; các công cụ bảo lãnh rủi ro/tham gia vốn tự có cho thành phần kinh tế tư nhân đầu tư tại các quốc gia đang phát triển. DFIs thường được nhà nước hỗ trợ với các nền kinh tế đang phát triển. DFIs cung cấp tài chính cho thành phần kinh tế tư nhân đầu tư để thúc đẩy sự phát triển, đặc biệt là tại các quốc gia có nhiều sự hạn chế về thị trường.
Với vai trò là đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị, VDB hiện đang nỗ lực hoàn tất công tác chuẩn bị hướng tới việc tổ chức một hội nghị thành công. Đồng thời, là thành viên trong Hội đồng quản trị, VDB có cơ hội tiếp cận thông tin và tăng cường trao đổi với nhiều thành viên đến từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau, từ đó, mở ra khả năng hợp tác cụ thể, phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ chính trị được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()