Hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 thu hút thêm nhiều cam kết tài chính
Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ đánh giá các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên toàn cầu đã đạt được nhiều tiến bộ, việc bàn giao trang thiết bị y tế đến các quốc gia có nhu cầu cấp bách đã tiến triển.
Ngày 12/5, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 2 về đại dịch COVID-19 diễn ra theo hình thức trực tuyến đã thu hút thêm những cam kết tài chính và chia sẻ công nghệ để cùng nỗ lực đẩy lùi đại dịch.
Hội nghị diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Mỹ, cùng với nước chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hiện nay là Đức, nước chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là Indonesia, nước chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) là Senegal và Belize, nước chủ tịch của Cộng đồng Caribe (CARICOM).
Tham dự hội nghị còn có đại diện của ít nhất 14 quốc gia (Canada, Colombia, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, New Zealand, Nigeria, Na Uy, Palau, Rwanda, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Tanzania), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban châu Âu (EC), các công ty tư nhân như Google, các tổ chức phi chính phủ như Bill and Melinda Gates Foundation.
Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên toàn cầu đã đạt được nhiều tiến bộ, việc bàn giao trang thiết bị y tế đến các quốc gia có nhu cầu cấp bách cũng đã tiến triển.
Tuy nhiên ông cảnh báo đại dịch chưa qua đi và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh tất cả các nước đều phải hành động nhiều hơn, trân trọng những điều đã mất đi trong đại dịch bằng cách nỗ lực hết sức để ngăn được càng nhiều ca tử vong vì COVID-19 càng tốt.
Hội nghị diễn ra khi nước Mỹ vừa công bố số ca tử vong vì COVID-19 vượt mốc 1 triệu ca, cao nhất thế giới. Chính quyền của Tổng thống Biden lâu nay kêu gọi các nỗ lực nhằm tiêm phòng cho toàn thế giới và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải khó khăn ngay từ trong nước khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua đề xuất dành ngân sách hàng tỷ USD giúp thực hiện mục tiêu nêu trên.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, hội nghị đã nhận được thêm những cam kết đóng góp tài chính cho cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 có tổng giá trị hơn 3 tỷ USD, vượt xa các cam kết được đưa ra cho tới ngày 12/5. Trong đó, hơn 2 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các hoạt động ứng phó trực tiếp với COVID-19, 962 triệu USD đổ vào một quỹ của Ngân hàng thế giới (WHO) để phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai và đảm bảo an ninh y tế toàn cầu.
Mỹ cam kết đóng góp thêm 200 triệu USD cho quỹ này, nâng tổng mức cam kết đóng góp của Washington cho quỹ lên 450 triệu USD. Liên minh châu ÂU (EU) cho biết sẽ cung cấp 300 triệu euro để hỗ trợ các chiến dịch tiêm phòng, 450 triệu USD cho quỹ dự phòng y tế toàn cầu. Các tổ chức phi chính phủ, nhà hảo tâm và lĩnh vực tư nhân cam kết đóng góp hơn 700 triệu USD.
Cũng tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định nước này sẽ chia sẻ các công nghệ được sử dụng để sản xuất các loại vaccine phòng COVID-19 thông qua WHO, đồng thời Washington đang nỗ lực để mở rộng xét nghiệm nhanh và điều trị kháng virus cho những cộng đồng dân cư khó tiếp cận.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Biden nêu rõ Washington sẽ chia sẻ các công nghệ y học hiện do Chính phủ Mỹ sở hữu, bao gồm cả những gai protein đã được chỉnh sửa được dùng trong nhiều loại vaccine COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19 lần thứ 1 diễn ra tháng 9/2021 theo hình thức trực tuyến. Khi đó, Mỹ kêu gọi các đối tác cùng nỗ lực để giúp thế giới đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 70% dân số mỗi nước vào tháng 9/2022.
Tại hội nghị lần này, các bên tập trung thảo luận về các nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch và chuẩn bị cho các mối đe dọa y tế mới trong tương lai./.
Ý kiến ()