Hội nghị thượng đỉnh quốc tế khẳng định tầm quan trọng của việc quan sát đại dương
Các nỗ lực quan sát, tìm hiểu và bảo vệ đại dương như một phần của chương trình nghị sự quốc tế rộng lớn hơn về hành động khí hậu và phát triển bền vững đã được thúc đẩy bởi Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dương “One Ocean Summit” vừa diễn ra tại thành phố biển Brest ở miền Tây nước Pháp.
Hội nghị có sự tham gia của 40 nguyên thủ quốc gia, và là sự kiện lớn đầu tiên về đại dương trong năm 2022 – năm thứ 2 của Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (2021-2030).
Hội nghị đã tập trung vào 4 chủ đề chính, gồm bảo vệ các hệ sinh thái biển, chống ô nhiễm, ứng phó biến đổi khí hậu và quản trị đại dương.
Tại sự kiện, các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ, trong đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố sáng kiến về việc thành lập một liên minh “carbon xanh” (blue carbon) nhằm xác định và tài trợ cho các hành động bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái biển và thảm thực vật giúp chống lại biến đổi khí hậu.
Gửi thông điệp tới hội nghị qua video, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới phải “thay đổi hướng đi” để bảo vệ các đại dương khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông cảnh báo rằng “đại dương đang phải chịu nhiều gánh nặng”. Đóng vai trò như một bể chứa carbon khổng lồ, song đại dương ngày càng trở nên ấm hơn và có tính axit cao hơn, khiến các hệ sinh thái của nó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Băng ở các vùng cực đang tan chảy và các hình thái thời tiết toàn cầu cũng đang biến đổi”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết.
Nâng cao kiến thức và hiểu biết về đại dương
Sự cần thiết tăng cường nghiên cứu đại dương được nhấn mạnh như một mục tiêu cốt lõi của Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững.
Lập luận rằng “chúng ta không thể bảo vệ những gì chúng ta không biết”, Tổng thống Macron khẳng định ý định của Pháp khởi động các sứ mệnh khoa học lớn để khám phá biển sâu, cũng như thiết lập cơ sở để các khu vực vùng cực hiểu rõ hơn về những thay đổi mà họ phải đối mặt.
Liên minh châu Âu cũng đã cam kết tạo ra một phiên bản mô phỏng đại dương trên nền tảng kỹ thuật số nhằm thu thập kiến thức và thử nghiệm các kịch bản hành động, phục vụ cho tăng trưởng kinh tế biển xanh của khối và quản trị toàn cầu.
OceanOPS – Trung tâm Phối hợp của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO (UNESCO-IOC) – đã khởi động dự án Odyssey nhằm thúc đẩy Hệ thống Quan sát đại dương toàn cầu và ban hành Tuyên bố Brest để huy động sự ủng hộ. Trung tâm sẽ tập hợp xã hội dân sự để tận dụng tiềm năng của các công dân, các thủy thủ, các nhà hàng hải, ngành vận tải biển, các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân, bảo đảm thu thập được lượng kiến thức đầy đủ hơn về đại dương cũng như bầu khí quyển, qua đó cung cấp dữ liệu phục vụ dự đoán hiệu quả về sự biến đổi của đại dương và khí hậu trong những năm tới.
“Năm 2022 là năm chúng ta phải ngăn chặn sự suy thoái của các đại dương. Thập kỷ Khoa học đại dương của Liên hợp quốc là nền tảng cho mọi nỗ lực của chúng ta về vấn đề này, và Hệ thống Quan sát đại dương toàn cầu là một trong những công cụ hiệu quả nhất của nó”, ông Peter Thomson, Đặc phái viên về đại dương của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết.
Theo ông Anthony Rea, Giám đốc Cơ sở hạ tầng tại WMO, những dữ liệu thu thập được không chỉ tăng cường thông tin và dự báo về thời tiết cho các nhà hàng hải, mà còn cung cấp sự hiểu biết quan trọng về tình trạng của hệ thống Trái đất, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo và thông tin khí hậu cho mọi người.
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dương là một bước đệm quan trọng hướng tới Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc lần thứ 2 diễn ra vào tháng 6 tới tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Hội nghị nhằm đánh giá việc thực hiện các mục tiêu thành phần trong Mục tiêu Phát triển bền vững 14 (SDG14) – bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển vì sự phát triển bền vững.
Ý kiến ()