Diễn ra trong hai ngày 18-19/5 tại bang Maryland (Mỹ) trong bối cảnh thế giới bộn bề khó khăn, dù đã rất nỗ lực song Hội nghị thượng đỉnh G-8 vẫn chỉ khép lại với những cam kết chung của các nhà lãnh đạo thế giới mà không đạt được giải pháp cụ thể nào. Các nhà lãnh đạo G-8 chụp ảnh lưu niệm sau hội nghị. Trong bức ảnh này, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đã chọn việc đứng giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Phrancois Hollande như một thông điệp cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò cân bằng trong một thế giới có nhiều quan điểm khác biệt. Kết quả này không phải là điều khó hiểu đối với một cuộc họp thượng đỉnh đang đứng trước qua nhiều vấn đề gai góc của thế giới, đặc biệt khi Hội nghị G-8 năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên đang đối mặt với hai nhân tố gây chia rẽ: đó là mâu thuẫn Pháp – Đức trong cách thức xua tan mây mù khó khăn kinh tế ở châu Âu và sự thiếu vắng...
Diễn ra trong hai ngày 18-19/5 tại bang Maryland (Mỹ) trong bối cảnh thế giới bộn bề khó khăn, dù đã rất nỗ lực song Hội nghị thượng đỉnh G-8 vẫn chỉ khép lại với những cam kết chung của các nhà lãnh đạo thế giới mà không đạt được giải pháp cụ thể nào.
Các nhà lãnh đạo G-8 chụp ảnh lưu niệm sau hội nghị. Trong bức ảnh này, Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đã chọn việc đứng giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Phrancois Hollande như một thông điệp cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò cân bằng trong một thế giới có nhiều quan điểm khác biệt.
Kết quả này không phải là điều khó hiểu đối với một cuộc họp thượng đỉnh đang đứng trước qua nhiều vấn đề gai góc của thế giới, đặc biệt khi Hội nghị G-8 năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên đang đối mặt với hai nhân tố gây chia rẽ: đó là mâu thuẫn Pháp – Đức trong cách thức xua tan mây mù khó khăn kinh tế ở châu Âu và sự thiếu vắng gương mặt rất được trông đợi là tân Tổng thống Nga Vladimir Putin (dù ông đã cử cộng sự của mình Thủ tướng Dmitry Medvedev đến dự thay).
Nghị sự chồng chất
Là diễn đàn quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới (gồm Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Anh, Đức, Italia và Nhật Bản), chương trình nghị sự năm nay của G-8 không thể nằm ngoài các vấn đề nóng của thế giới như khủng hoảng nợ công ở châu Âu, sự ổn định kinh tế toàn cầu, vấn đề an ninh lương thực thế giới, vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên, khủng hoảng chính trị tại Syria, tiến trình chuyển giao sứ mệnh đảm bảo an ninh tại Afghanistan, chủ nghĩa khủng bố, xung đột mạng và biến đổi khí hậu…
Điều đáng nói là trong từng vấn đề cụ thể, giữa các nước và các nhóm nước lại tồn tại khá nhiều quan điểm khác biệt. Vì vậy, diễn đàn chỉ là nơi để các nước thể hiện quan điểm riêng của mình trước khi đi tới những cam kết thể hiện mong muốn chung, thay vì cho ra được những giải pháp cụ thể.
Liên quan đến vấn đề nóng nhất tại hội nghị năm nay là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và ảnh hưởng của nó đối với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, lãnh đạo 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đều ủng hộ việc giữ Hy Lạp ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và cam kết tiến hành tất cả những bước đi cần thiết để chống lại bất ổn tài chính khi mà công cuộc hồi phục kinh tế thế giới ngày càng bị cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đe dọa.
“Chúng tôi cam kết tiến hành mọi bước đi cần thiết để củng cố và khôi phục các nền kinh tế, hóa giải các áp lực tài chính trên cơ sở nhận thức rằng không có giải pháp chung duy nhất áp dụng cho tất cả các nước”, tuyên bố của các nhà lãnh đạo sau hội nghị nhấn mạnh.
Tuyên bố cho thấy hội nghị đã phần nào nhất trí hướng tới nỗ lực cân bằng giữa chính sách thắt lưng buộc bụng ở châu Âu – cách tiếp cận được Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc đẩy lâu nay – và một liều kích thích kinh tế mới theo kiểu Mỹ đang được tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và đông đảo người dân châu Âu ủng hộ.
“Tất cả đều muốn Hy Lạp ở lại khối dù đang mắc nợ lớn. Tất cả đều đồng ý rằng cần phải củng cố chính sách tài khóa tùy theo hoàn cảnh của từng nước, nhưng đồng thời cũng cần chú trọng tăng trưởng kinh tế”, ông Mike Froman, một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho biết sau cuộc họp.
Cũng theo ông Froman, mặc dù cùng nhất trí như vậy song giữa các nước không phải không có những quan điểm vênh nhau trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề, nhất là giữa hai đầu tàu Pháp, Đức.
Hai nhà lãnh đạo đầu tàu của châu Âu, Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel trao đổi về những quan điểm khác biệt trong giải quyết khủng hoảng nợ công.
“Tăng trưởng và tài chính vững chắc là hai yếu tố không thể tách rời và không nên được xem là hai yếu tố đối lập trong kinh tế”, bà Merkel lên tiếng bênh vực chính sách khắc khổ do chính bà và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khởi xướng cách đây 2 năm.
Theo Thủ tướng Đức, cắt giảm mạnh chi tiêu là con đường quan trọng dẫn tới sự ổn định kinh tế châu Âu, điều tân Tổng thống Pháp một mực bác bỏ.
“Các chính phủ cần phải chi tiêu nhiều hơn để kích thích kinh tế”, ông Hollande quả quyết khi biết rõ đây cũng là con đường đã giúp nước Mỹ nhanh chóng thoát khỏi tâm bão khủng hoảng cho dù Mỹ là nước rơi vào khủng hoảng đầu tiên và cũng là tâm điểm khởi phát cuộc suy thoái toàn cầu kéo dài từ năm 2008 tới nay.
Bên cạnh vấn đề gai góc nhất là tình hình kinh tế yếu kém tại châu Âu và số phận của Hy Lạp, các nhà lãnh đạo G-8 cũng đã đạt được nhất trí sơ bộ về một số điểm nóng khác như tình hình Syria, hạt nhân của Iran, Triều Tiên.
Mặc dù đã được nước chủ nhà Mỹ liên tục thay đổi địa điểm họp nhằm tạo bầu không khí thoải mái, song các nhà lãnh đạo G-8 vẫn chỉ đạt được sự nhất trí chung chung về các vấn đề quan trọng.
Cụ thể, các nhà lãnh đạo G-8 khẳng định quan điểm yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động chống lại những động thái khiêu khích của Triều Tiên, nhất là các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân. Hội nghị cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với sự cô lập hơn nữa nếu “tiếp tục chọn cách khiêu khích”.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua thương lượng cho vấn đề hạt nhân của Iran, đồng thời hối thúc Tehran nắm bắt cơ hội giải tỏa những nghi vấn của cộng đồng quốc tế tại cuộc đàm phán với Nhóm P5 1 (gồm năm nước ủy viên HĐBA và Đức) ở Baghdad vào tuần tới.
Về Myanmar, các nhà lãnh đạo G-8 hoan nghênh “những nỗ lực đáng kể” của Tổng thống U Thein Sein và thủ lĩnh dân chủ Aung San Suu Kyi nhằm mang lại những cải cách dân chủ vượt bậc ở quốc gia Đông Nam Á này. Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết duy trì cải cách bền vững, cam kết ủng hộ những sáng kiến của Myanamar, đặc biệt là các sáng kiến tập trung vào hòa bình-hòa giải dân tộc và củng cố nền dân chủ.
Với tình hình căng thẳng tại Syria, tuyên bố chung sau hội nghị kêu gọi Damascus và tất cả các phe phái tại quốc gia Trung Đông này lập tức thực thi đầy đủ kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên chung LHQ – Liên đoàn Ảrập Kofi Annan. Theo các nhà lãnh đạo G-8, các phe phái ở Syria cần chấm dứt ngay mọi hình thức bạo lực để mở đường cho tiến trình chuyển giao chính trị toàn diện nhằm hướng tới chế độ dân chủ và đa dạng chính trị.
Hướng tới G-20
Những kết quả đạt được tại Hội nghị G-8 ở trại David tuần này càng khẳng định thêm một thực tế rằng vai trò lãnh đạo thế giới giờ đây không chỉ nằm trong tay các nước công nghiệp phát triển mà còn chịu sự chi phối và phụ thuộc khá lớn vào các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ…
Với một nước Mỹ và châu Âu đang sống trên núi nợ cao ngất, với tương lai của Tổng thống Barack Obama vẫn chưa thể định hình tại cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay và một lục địa già đang quằn quại trong vòng xoáy nợ công chưa có lối thoát, rõ ràng vai trò và sức ảnh hưởng của G-8 đã bị giảm đi rất nhiều.
Trong khi đó, các quốc gia đang trỗi dậy không chỉ hứa hẹn mang đến một sức sống phát triển mới cho toàn thế giới, mà còn thể hiện ý chí sẵn sàng lấp đầy khoảng trống do các cường quốc phát triển bỏ lửng.
Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều người cho rằng Hội nghị G-8 năm nay thực ra chỉ là “khúc dạo đầu” cho Hội nghị các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), một diễn đàn lớn hơn, quy tụ nhiều gương mặt quan trọng với sức mạnh kinh tế vượt trội sẽ được triệu tập tại Mexico vào tháng 6 tới.
Nói cách khác, trọng tâm chính trị đang được chuyển dịch từ G-8 sang G-20 như một xu thế tất yếu khi mà mọi sức mạnh và trọng tâm phát triển, từ kinh tế, chính trị đến an ninh, quân sự đang được dần dịch chuyển từ Tây sang Đông.
Theo Dantri
Ý kiến ()