Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
– Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, nhờ sự nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tính đến tháng 7/2022, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động; doanh thu một số ngành tăng mạnh so với cùng kỳ như xây dựng, dịch vụ lưu trú; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tăng 16% so với cùng kỳ 2021; kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh ở một số ngành hàng như sản phẩm điện tử máy tính, dệt may, giày dép.
Mặc dù hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp có quy mô lớn còn ít; năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh chụp giật, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022. Đồng thời phân tích cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới như: tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết triệt để; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tiếp tục hỗ trợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm vừa qua, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp đã cùng đất nước, Nhân dân từng bước vượt qua khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính mạnh mẽ; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý kịp thời theo thẩm quyền; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược; tiếp tục tập trung chuyển đổi số.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động kết nối giúp doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, tăng cường hợp tác để phát triển bền vững…
Đối với tỉnh Lạng Sơn, 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 57% kế hoạch với số vốn đăng ký 3.689 tỷ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ; có 138 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Lũy kế toàn tỉnh có 3.640 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 37.050 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định trở lại, trong đó có khoảng 2.900 doanh nghiệp ngoài quốc doanh có phát sinh doanh thu từ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh còn thấp…Trong 7 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách khoảng 450 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ 2021. |
Ý kiến ()