Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
- Chiều 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến điểm cầu các tỉnh, thành trong toàn quốc và điểm cầu tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: Từ đầu năm 2024 đến nay, trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao, nội dung ngoại giao kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm, qua đó mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam. Cùng đó, Việt Nam cũng chủ động, tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương quan trọng như Tiểu vùng Meekong, ASEAN, APEC, WTO, Liên hợp quốc,... nhằm tận dụng nguồn lực để phát triển.
Song song với đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương cũng tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, tỉnh đã chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Quảng Tây, Trung Quốc. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương với các địa phương của một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Italia, Singapore, Australia, các nước ASEAN,…
Tại hội nghị, các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các địa phương, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam… đã làm rõ những kết quả đạt được của hoạt động ngoại giao kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua; đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả hơn nữa ngoại giao kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ưu tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn quốc đạt từ 6,5 – 7% (năm 2024).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại), thời gian tới, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài… phải tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW; tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng;…
Các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội các ngành hàng… tiếp tục nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để triển khai linh hoạt, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế; tăng cường hiệu quả phối hợp trong triển khai ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu; linh hoạt, chủ động trong việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam;…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp phải tận dụng tất cả những cơ hội có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động ngoại giao kinh tế; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng những lĩnh vực truyền thống (xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,…). Cùng đó là tăng trưởng kinh tế ở những lĩnh vực mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số…).
Ý kiến ()