Hội nghị tham vấn các đối tác quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến tại hội nghị. * Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiếnThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị tham vấn các đối tác quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6-9 tại Hà Nội.Đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các chuyên gia kinh tế nước ngoài đã tham dự hội nghị.Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tám tháng qua được các nhà tài trợ quốc tế, các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhìn nhận khá tích cực. Việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp Việt Nam đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn Nhà nước cắt giảm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là 81.500...
|
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị tham vấn các đối tác quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 6-9 tại Hà Nội.
Đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các chuyên gia kinh tế nước ngoài đã tham dự hội nghị.
Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tám tháng qua được các nhà tài trợ quốc tế, các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhìn nhận khá tích cực. Việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp Việt Nam đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn Nhà nước cắt giảm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là 81.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và xổ số kiến thiết đã cắt giảm khoảng 9.452 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu tám tháng qua tăng 33,7% so cùng kỳ. Nhập khẩu cũng tăng nhưng thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu. Nhập siêu giảm mạnh còn 10,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 18,3%). Lạm phát đang có xu hướng giảm trong những tháng gần đây nhưng vẫn còn cao. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện trong một hai tháng trở lại đây. Cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng, bảo đảm cân đối ngoại tệ và ổn định tỷ giá…
Tuy nhiên, các nhà tài trợ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những kết quả bước đầu còn rất mong manh, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam chưa được cải thiện một cách căn bản, lạm phát và lãi suất còn cao. Áp lực lên tỷ giá có nguy cơ tăng vào cuối năm do dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tăng nhưng còn mỏng. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ gia tăng. Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế vẫn chưa được cải thiện và có thể bị tụt hạng… Những nguyên nhân cơ bản, sâu xa của tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng được các nhà tài trợ, chuyên gia kinh tế phân tích. Đó là do đầu tư không hiệu quả, dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước chưa cao, trong khi lại được vay vốn ngân hàng dễ dàng, làm gia tăng nợ xấu của các ngân hàng. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương do tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quá nhanh… Để giải quyết cơ bản tình trạng này, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, mang tính chất “chữa trị triệu chứng” cần những giải pháp dài hạn, mang tính hệ thống như nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung cải cách doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; quản lý tốt nợ công; thực hiện tốt chính sách tiền tệ, không nên vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Nhiều nhà tài trợ, chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và khuyến nghị các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cần tiếp tục được thực hiện quyết liệt, có hiệu quả hơn, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn về bất ổn kinh tế vĩ mô, tạo sự cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định lâu dài. Cần coi ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố tiên quyết để có tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới các chính sách an sinh xã hội cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…
Xây dựng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cũng được đại diện nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam. Các thông tin, tín hiệu về chính sách kinh tế vĩ mô thời gian qua được đưa ra thị trường chưa rõ ràng, minh bạch, làm giảm sút niềm tin của các nhà đầu tư. Để lấy niềm tin của các nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam cần minh bạch, rõ ràng hơn trong việc công bố thông tin về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, các nhà tài trợ, các vị đại sứ… Các ý kiến rất thẳng thắn, mang tính xây dựng, đã chỉ ra những tồn tại của nền kinh tế Việt Nam như kinh tế vĩ mô chưa được giải quyết từ nguyên nhân căn bản, còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn… đồng thời đưa ra những khuyến nghị như tiếp tục thực hiện sâu rộng và hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP; việc giải quyết vấn đề kinh tế vĩ mô không chỉ bằng các giải pháp trước mắt mà phải có các giải pháp mang tính chất lâu dài, trong đó có tái cấu trúc nền kinh tế, quan tâm tới an sinh xã hội, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý tốt nợ công… Chính phủ Việt Nam trân trọng đánh giá cao những ý kiến tham vấn của các nhà tài trợ và chuyên gia kinh tế quốc tế đồng thời sẽ cân nhắc, tiếp thu những ý kiến này trong quá trình hoạch định chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Hiện, lạm phát của Việt Nam đang có xu hướng giảm và sẽ kiềm chế trong năm 2011 ở mức 18% và năm 2012 sẽ đưa lạm phát xuống còn một con số; tăng trưởng GDP năm 2011 sẽ ở mức khoảng 6%. Để thực hiện mục tiêu này, các giải pháp đề ra trong năm 2011 là bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng dưới 15%; kiểm soát tỷ giá và giữ ổn định về tỷ giá; lãi suất sẽ điều hành theo hướng giảm lãi suất đi liền với giảm lạm phát. Về bội chi ngân sách, sẽ kiểm soát dưới 5% GDP (khoảng 4,8 đến 4,9%); kiểm soát chặt nợ công, bảo đảm an toàn nợ công; chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy tính hiệu quả; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu… Đặc biệt, Việt Nam sẽ hết sức quan tâm tới công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam thấy rõ những mặt đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và sẽ quyết tâm bằng nội lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác nhiều hơn nữa của các chuyên gia, các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế…, nhất là trong tư vấn về chính sách, hỗ trợ nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong năm 2011 và các năm tiếp theo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()