LSO-Sáng ngày 14/7/2011, tại khách sạn Mường Thanh, thành phố Lạng Sơn, Bộ Công thương và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị nhằm bàn các giải pháp tăng cường dịch vụ thương mại biên giới, đồng thời hướng dẫn các hoạt động sản xuất kinh doanh cho hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo Ngân hàng phát triển Châu Á; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; cùng đại diện một số doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hội nghị được tổ chức với mục đích nhằm đem đến một cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động dịch vụ, thương mại biên giới trong đó tập trung vào vấn đề xây dựng hồ sơ doanh nghiệp biên giới, hoạt động của các doanh nghiệp tại khu vực biên giới, đặc điểm của thương mại biên giới, tổ chức thực hiện chức năng tài chính của thương mại biên giới, các rào cản ảnh hưởng đến phát triển thương...
LSO-Sáng ngày 14/7/2011, tại khách sạn Mường Thanh, thành phố Lạng Sơn, Bộ Công thương và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị nhằm bàn các giải pháp tăng cường dịch vụ thương mại biên giới, đồng thời hướng dẫn các hoạt động sản xuất kinh doanh cho hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo Ngân hàng phát triển Châu Á; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; cùng đại diện một số doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
|
Hội nghị được tổ chức với mục đích nhằm đem đến một cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động dịch vụ, thương mại biên giới trong đó tập trung vào vấn đề xây dựng hồ sơ doanh nghiệp biên giới, hoạt động của các doanh nghiệp tại khu vực biên giới, đặc điểm của thương mại biên giới, tổ chức thực hiện chức năng tài chính của thương mại biên giới, các rào cản ảnh hưởng đến phát triển thương mại biên giới… để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp hữu hiệu góp phần tăng cường hoạt động dịch vụ thương mại biên giới, tham mưu cho Chính phủ đưa ra những quy chế điều hành và thủ tục hành chính tại các cửa khẩu biên giới đất liền trên tinh thần tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động thương mại biên giới được thuận lợi nhất và tuân thủ đúng pháp luật. Hội nghị cũng đưa ra những khuyến nghị và hướng dẫn cụ thể với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hạn chế những rủi ro có thể gặp phải khi tham gia vào các hoạt động thương mại biên giới, phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương đã khẳng định rõ vai trò của các hoạt động dịch vụ thương mại biên giới đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung và các địa phương giáp biên giới nói riêng. Trong những năm gần đây, các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới diễn ra rất sôi động với kim ngạch XNK cao, đặc biệt là quan hệ thương mại Việt – Trung. Sản phẩm hàng hoá các cung ứng cho nhau bên ngày càng phong phú, đa dạng, có chất lượng tốt, các quan hệ hợp tác thương mại ngày càng đi vào chiều sâu, cơ chế giao dịch ngày càng chuyên nghiệp, tuân thủ luật pháp quốc tế và pháp luật của các bên. Cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu được cải thiện rõ rệt, thương mại biên giới đang thực sự trở thành động lực để các tỉnh biên giới tạo bước đột phá trong phát triển. Tuy nhiên, hiện nay quan hệ thương mại biên giới đang gặp phải một số rào cản nhất định như: cơ chế, chính sách điều hành thiếu nhất quán, quan hệ biên mậu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường xuất nhập khẩu các bên thiếu tính bền vững, nặng về thời vụ, những lợi thế kể từ sau khi ra nhập WTO chưa được các nước phát huy tốt… Đồng chí bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ tìm ra những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục những rào cản trên, góp phần đưa hoạt động dịch vụ thương mại biên giới phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, mỗi địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Thực tế hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung quốc qua địa bàn Lạng Sơn đã cho thấy những tiềm năng phát triển, giá trị kinh tế mà các hoạt động dịch vụ thương mại biên giới đem lại, đây thực sự là nguồn lực lớn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương. Tuy nhiên, các hoạt động thương mại biên giới hiện nay vẫn gặp phải một số vướng mắc cần được phối hợp tháo gỡ kịp thời nhằm xây dựng một môi trường thương mại quốc tế lành mạnh, các bên tham gia cùng có lợi. Nhân dịp này, đồng chí cũng bày tỏ mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tìm hiểu hợp tác đầu tư tại Lạng Sơn, đặc biệt là các dự án nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện theo pháp luật để nhà đầu tư đến với Lạng Sơn có được môi trường đầu tư thuận lợi nhất với nhiều cơ hội phát triển.
Trúc Lam
Ý kiến ()