Hội nghị phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương về phát triển công nghiệp quốc phòng
Chiều 29-6, dưới sự đồng chủ trì của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, hội nghị phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương đã đề ra nhiều định hướng phối hợp trong phát triển công nghiệp quốc phòng thời gian tới.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ: Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông, cùng đại biểu một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Phan Văn Giang và đồng chí Trần Tuấn Anh đồng chủ trì hội nghị. |
Hội nghị tập trung đánh giá kết quả phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thời gian qua; phương hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Theo đó, Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp chặt chẽ xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phối hợp nghiên cứu xây dựng, đề xuất mô hình tổ chức công nghiệp quốc phòng, trong đó, tập trung nghiên cứu đề án mô hình cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng; nghiên cứu mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quang cảnh hội nghị. |
Đặc biệt, phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ một số cơ chế đặc thù, như: Huy động nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng; cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước để triển khai các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công nghiệp quốc phòng; ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành công nghiệp then chốt quốc gia, nhất là công nghiệp vật liệu tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp quốc phòng; khuyến khích đầu tư một số công nghệ nền, như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ sản xuất chip bán dẫn, công nghệ thuộc lĩnh vực hàng không vũ trụ, phát triển năng lượng mới, năng lượng xanh… phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các tập đoàn trong và ngoài nước, phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thế mạnh phục vụ nền kinh tế quốc dân và công tác quy hoạch công nghiệp quốc phòng, công nghiệp quốc gia. Huy động công nghiệp quốc gia, công nghiệp dân sinh, công nghiệp hỗ trợ và khu vực tư nhân tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động phối hợp trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, quốc phòng, trong đó bao gồm các chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Là một bộ phận của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, công nghiệp quốc phòng có vai trò hết sức quan trọng trong nhiệm vụ trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đòi hỏi phải xây dựng nền quốc phòng tự chủ, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại. Vì vậy, cần phải phối hợp chặt chẽ giữa Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành trong nghiên cứu, đề xuất các quan điểm, chủ trương, chính sách, định hướng và cụ thể hóa trong phát triển công nghiệp quốc phòng.
Lãnh đạo các bộ, ban, ngành chứng kiến lễ ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, từ khi Quy chế phối hợp số 04 ngày 10-12-2014 được ban hành, sự phối hợp giữa Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Quốc phòng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; góp phần thiết thực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan và nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.
Định hướng thời gian tới, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, hai bên tiếp tục tập trung phối hợp trong triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phối hợp nghiên cứu xây dựng, đề xuất mô hình tổ chức công nghiệp quốc phòng. Đây là một trong những nhiệm vụ, đề án trọng tâm của dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị. Việc nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức công nghiệp quốc phòng có vai trò quan trọng, nhằm thống nhất quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng và kiện toàn, tổ chức lại cơ quan quản lý, sản xuất quốc phòng, các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt.
Bên cạnh đó, làm tốt việc phối hợp xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia; kiểm tra, rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp quốc phòng…
Ý kiến ()